RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Một thoáng Côn Sơn

Advertisement

(DNSG) – xứ Đông (tỉnh Hải Dương) có núi Phượng Hoàng gắn liền với phần đời của nhà chính trị, quân sự, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, sau khi ông rời chốn quan trường về quê vui vầy với cỏ cây mây nước. Đó là thắng tích Côn Sơn thuộc xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh.

Những ngày cuối năm, cảnh sắc Côn Sơn thật thanh bình và yên ả. Cánh rừng bạt ngàn thông reo vi vu trong gió, hoa cỏ ngát hương, chim chóc nô đùa… Chúng tôi lạc vào một không gian xanh biếc với núi rừng, hồ nước mênh mang và kiến trúc cổ kính, trầm mặc.

Có lẽ ống kính máy ảnh cũng không thể nào tả hết những khoảnh khắc, đường nét tuyệt mỹ ấy. Ai đã một lần ghé thăm nơi này chắc hẳn sẽ tìm được những giây phút thật thư thái. Phải chăng cũng vì vậy mà mấy trăm năm trước Nguyễn Trãi đã chọn Côn Sơn để ẩn cư?

Với tôi, về Côn Sơn cũng như được trở về quá khứ thời thơ ấu, những kỷ niệm ngày còn nhỏ được bố mẹ dẫn đến chơi vào những ngày lễ hội tháng Giêng, cũng có khi một nhóm bạn rủ nhau đạp xe gần 20 cây số về đây chỉ để mua một chiếc vòng đeo tay, ăn que kem và được hòa vào dòng người, vãn cảnh rừng thông điệp trùng.
Dulichgo

Chỉ mất khoảng nửa ngày là du khách có thể khép kín một lịch trình cho chuyến khám phá Côn Sơn với những điểm đến văn hóa tâm linh kết hợp tham quan khu sinh thái chốn ngàn thông cổ thụ.

Mùa cuối năm Côn Sơn thưa vắng, những hàng quán lèo tèo ngóng đợi du khách. Như thường lệ, bao giờ các đoàn khách cũng vào dâng hương tại các khu đền, chùa, thắp nhang thành kính dâng lên đức Phật và người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.

Các nhà sư ở đây kể rằng, chùa Côn Sơn (Thiên Tư Phúc tự) được khởi dựng vào thời Trần. Cùng với Yên Tử, Quỳnh Lâm ở Quảng Ninh và chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang, chùa Côn Sơn tỉnh Hải Dương là một trong bốn trung tâm lớn của Thiền phái Trúc Lâm. Đặc biệt, chùa còn tấm bia đá cổ có tên “Thanh hư động”.

Tương truyền đó là bút tích của nhà vua Trần Huệ Tông khi về thăm Côn Sơn năm 1373. Đây cũng là nơi tu hành của Quốc sư Huyền Quang – vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm. Sau khi Huyền Quang mất, vua Trần Minh Tông đã cho xây Đăng Minh bảo tháp bằng đá cao ba tầng, bên trong đặt xá lợi và tượng Huyền Quang.
Dulichgo
Lễ chùa xong là lúc đoàn chúng tôi thong thả dạo bước trong không gian nhuốm màu huyền thoại, cùng nhau đi qua gần một nghìn bậc đá giữa rừng thông già trên núi Phượng Hoàng, cảm nhận thiên nhiên với núi rừng thơ mộng, hùng vĩ. Thăm giếng Ngọc phía chân núi, nước giếng Ngọc trong xanh và mát lạ kỳ.

Nhiều du khách thường lấy nước giếng Ngọc để uống và rửa mặt với quan niệm nguồn “nước thánh” này sẽ giúp cho con người gột rửa hết bụi trần. Tôi cũng múc một gàu nước dưới giếng, vục tay hắt những giọt nước mát lạnh vã lên mặt, cầu mong cho tâm hồn được nhẹ nhõm, mọi ưu phiền sẽ mau chóng xua tan.

Men theo các bậc đá, chúng tôi đến dòng suối chảy quanh năm, nơi đó còn có Thạch Bàn (tảng đá lớn) được cho là địa điểm xưa kia người anh hùng Nguyễn Trãi vẫn lui tới ngắm cảnh, làm thơ và “tức cảnh” sáng tác Côn Sơn ca: “Côn Sơn suối chảy rì rầm. Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai. Côn Sơn có đá rêu phơi. Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm”…
Dulichgo
Hành trình leo núi vãn cảnh, du khách gặp một khu đền thờ lớn, là nơi thờ Trần Nguyên Đán – ông ngoại của Nguyễn Trãi và một khu nền nhà cũ là nơi ở của Nguyễn Trãi trong những ngày ông về Côn Sơn ẩn cư.

Càng lên cao, cảnh vật, không gian Côn Sơn càng như mở ra để đón nhận lòng người. Mùi nhựa thông dìu dịu lan tỏa khắp không gian, những  thác nước quanh năm róc rách, tuôn ra những bọt trắng lòa. Đồng thời cũng được tham quan, thưởng thức các sản vật địa phương như cốm, bánh đa, hạt dẻ rừng,  bánh đậu xanh…

Về Côn Sơn, tôi được biết thêm truyền tích đẫm màu huyền bí. Chúng tôi dừng chân trên đỉnh núi Phượng Hoàng, nơi có Bàn cờ Tiên. Truyện kể rằng: Núi rừng Côn Sơn thường có mây mù bao phủ, một hôm những người dân trong vùng lần theo lối mòn trong mây mù lên núi dạo chơi, tới gần đỉnh núi, nghe có tiếng người cười nói rất vui vẻ.
Dulichgo
Lạ thay, khi đến nơi mọi người đều ngạc nhiên vì trong lầu không có một bóng người, chỉ thấy bàn cờ đang đánh dở dang. Nhân dân cho rằng, trên đỉnh Côn Sơn là nơi trời đất nối liền bằng mây mù, sương phủ, tiên ông trên trời đã cưỡi mây xuống đánh cờ, thấy có người đến, họ bay về trời. Bởi vậy mà có tên là Bàn cờ Tiên.

Nửa ngày cho chuyến hành hương về Côn Sơn là chưa đủ để tìm hiểu hết những điều kỳ thú của thắng tích, song cũng đã để lại cho chúng tôi bao kỷ niệm khó quên.

Hẹn một ngày sẽ trở lại chốn này…

Theo Phạm Thị Ngoan (DNSG)
Người Miền Trung

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468