RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Mùa xuân nơi biên ải

Advertisement

Biên ải, nơi những cánh rừng hoa đào núi còn sót lại sau cuộc càn quét của con người vẫn nhú lên những mảng màu hồng ấm áp. Đã bao giờ bạn đón Xuân nơi địa đầu Tổ quốc, nơi những em bé áo quần không đủ ấm đang háo hức chờ Tết?

Về lại “bản trùm mền”

Đầu tháng chạp, những cơn mưa tầm tã kéo dọc con đường từ Đà Nẵng lên Kon Tum. Nhìn ra phía tây, chỉ lờ mờ viền núi trong làn sương mù dày đặc. Trong hàng chục bản làng nằm dọc con đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận tỉnh Kon Tum, cách biên giới Lào mười mấy cây số, có mấy chục mái nhà người dân tộc Lào về đây sinh sống kể từ khi đường lớn mở ra.

Chúng tôi đã đặt cho nó cái tên “bản trùm mền”, bởi giữa mùa hè mà nơi này vẫn rất lạnh, người dân nghèo đói, không có đủ áo ấm, nên nhiều phụ nữ cứ trùm tấm mền hoa sặc sỡ đi lại khắp bản.

Nằm ngay bên quốc lộ nhưng hình như bản không mấy thay đổi qua gần chục năm mưa nắng, những mái nhà lợp tôn mới ngày nào nay đã xỉn màu cũ kỹ. Biết bà con khó khăn, lại sống ở nơi thung lũng quanh năm lạnh lẽo giữa miền Trung nên mỗi lần đi ngang qua đoạn đèo Lò Xo trứ danh này, bạn bè chúng tôi thường dặn nhau đi xin đồ ấm để ghé vào tặng đồng bào. Nhiệt độ quanh năm khoảng 20 độ C nhưng đất đai không tốt, nên nương rẫy ở “bản trùm mền” chỉ trồng lúa nương và sắn.

Không biết vì lạnh hay do tập tục, đàn ông, đàn bà đều uống rượu. Chúng tôi vừa đến, anh Miên – một người bạn cũ, đã chạy ra đón và kéo về nhà khoe đống củi to chuẩn bị đón Tết, và ở góc nhà, 2 can rượu khoai mì “bự chảng” đã sẵn sàng, cũng là để đón Xuân.

Miên nói: “Tao làm được 5 can, nhưng nhà có việc vui nên uống gần hết. Chúng mày đến chơi, lại vui, lại uống nữa”.

Nhà Miên cũng có cái tivi với cái chảo thu sóng vệ tinh. Bọn trẻ con lấp ló, chúng thật lễ phép. Chúng ngồi học trên cái quan tài đẽo từ thân cây cổ thụ. Quan tài này để dành cho bà nội đang bệnh nặng.

Mùa xuân dường như rất xa nơi này. “Thế Miên đón Tết thế nào?”, anh cười hềnh hệch: “Có trồng được một vạt rau cải xanh, ngon lắm. Gần Tết, mấy anh em sẽ vào rừng kiếm con heo, Giàng cho nhiều thì cả bản vui”.

Ngồi một lúc, cái lạnh xứ núi dần thấm vào tận xương, lúc ấy mới hiểu tại sao các bà, các mẹ lại quấn mền giữa ban ngày để chống rét.

Đoạn đường rời “bản trùm mền” xuống núi về thành phố Đà Nẵng chỉ 200km mà nhiều cách biệt. Nơi này cách cửa khẩu Nam Giang, tỉnh Quảng Nam khoảng 50km. Nhiều dự án đã mở ra nhằm phát triển vùng biên giới Việt Nam và Lào ở khu vực này, nhưng có lẽ bà con còn phải chờ rất lâu… một sự đổi đời!

Lạng Sơn – Tân Thanh, Tết này không giống Tết xưa

Con đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn nêm chật xe tải chở hàng. Tết năm nay khác Tết năm xưa. Người Hà Nội không cần thuê xe rủ nhau đi sắm Tết ở Lạng Sơn, tức là đi mua hàng giá rẻ của Trung Quốc. Họ vẫn buôn bán, làm việc ở cơ quan, rồi mở mạng xã hội vào mua sắm online từ quần áo, giày dép, thảm trải nhà cho đến bộ sô pha, bàn ghế uống cà phê, thực phẩm chức năng.

Lạng Sơn cũng không còn là chợ sỉ đầu mối nơi biên giới như trước. Hàng giá rẻ từ Quảng Đông và Hàng Châu đã đi thẳng từ nhà sản xuất đến người buôn sỉ ở Lạng Sơn, khiến nơi đây trở thành chợ bán sỉ đúng nghĩa.

Tuy vậy, thật không uổng phí khi đi ngắm Xuân ở Lạng Sơn mùa này. Đào núi đã tập kết và bắt đầu xuống phố. Bên cạnh đoàn xe bán tải chở những cây đào thế cổ thụ, thì trên mỗi chiếc xe máy vẫn bó chừng chục cành ngất ngưởng về xuôi. Từng đoàn người đi tạo thành dòng chảy hồng ấm áp giữa tiết mưa phùn lạnh tê người của một cơn gió mùa đông bắc mới.

Trung tâm chợ Lạng Sơn vẫn chất hàng hóa ngập đến nóc, nhưng chỉ là chợ sỉ cho các tỉnh thành phía bắc Hà Nội. Người đi chợ mua lẻ không còn đông đúc nữa, nên cái không khí náo nhiệt năm xưa cũng mất đi nhiều. Nhưng cái câu “nước chảy chỗ trũng” vẫn rất hợp với nơi đây. Những người đóng hàng vẫn đang làm việc suốt đêm trong chợ.

Những đặc sản như cải làn núi và vịt Lạng Sơn rất nổi tiếng và được ưa chuộng ngày Tết nên tập kết về đầy chợ để lên đường về xuôi. Đứng ở đây bỗng nghĩ bài toán phát triển kinh tế thương mại cửa khẩu đã thành công trong thập niên 2000 nhưng bây giờ thật khó ứng dụng với các cửa khẩu khác. Thương mại điện tử và sự thông thương hàng hóa đã khiến các thương nhân bỏ qua các khu chợ biên mậu.

Cửa khẩu Tân Thanh cũng không còn nhiều phụ nữ Trung Quốc sang mua ki ốt bán lẻ quần áo như cách đây 10 năm. Hết thời rồi. Nhưng người Việt sang bên kia biên giới buôn bán còn nhiều, chủ yếu bán lẻ hoa quả, làm thuê. Nhớ cách đây 7 năm đứng ở cửa khẩu Tân Thanh chiều hai mươi chín Tết, ngày ấy Tân Thanh cũng còn tồn tại chợ lẻ biên mậu. Chiều ấy bên biên giới là dòng người hồi hương vội vã về nhà ăn Tết.

Ai cũng muốn về nhà sớm sau một năm tất bật mưu sinh, giống như đàn chim bay về tổ mỗi chiều tối. Một lần đến biên giới chiều cuối năm, người Việt hay người Trung Quốc đều hiểu rằng thật khó bỏ đi những tập tục của Tết truyền thống. Nó như một kỳ nghỉ thấm đẫm văn hóa tâm linh và mỗi năm phải có những ngày như vậy để nghỉ ngơi và nhìn lại cuộc sống.

Tôi hiểu rằng ở khắp các cửa khẩu biên giới người Việt đang về nhà. Ở khắp các sân bay quốc tế người Việt cũng đang về nhà. Tôi cũng phải về nhà, phải chia tay với các em bé Hmông ở Sa Pa, ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đang tranh thủ mấy ngày nghỉ trước Tết đi bán hàng giúp cha mẹ. Em nào cũng nói với khách hãy mua những chiếc vòng bạc này, mẹ sẽ mua váy mới cho mặc Tết nếu em bán được nhiều hàng.

Má phơn phớt hồng trong cái nắng lạnh mùa đông, tóc hoe hoe, miệng mỉm cười tươi tắn. Các em cũng là mùa xuân, dẫu đượm chút khổ nhọc. Niềm vui đón Xuân đôi khi không vướng bận quà cáp tính toán, không nhọc công tìm kiếm kỳ hoa dị thảo, lại nhẹ nhàng, tinh khiết. Dù ở đâu thì Xuân cũng sẽ về!

Theo Bích Hồng (Doanh Nhân Sàigòn)
Người Miền Trung !

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468