(VOV5) – Chùa Láng tọa lạc tại làng Láng. Láng hay Kẻ Láng là tên chữ của làng Yên Lãng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Chùa Láng có nhiều nét đặc trưng riêng biệt, bởi đây là ngôi chùa thờ Phật, thờ Thánh, gắn với nhân vật nổi tiếng thời đại đó là Thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Thời Lý (1010 – 1225) Phật giáo phát triển cực thịnh. Chùa chiền được xây dựng và mở mang nhiều. Ở Thăng Long, Hà Nội, thời kỳ này nhiều ngôi chùa được trùng tu, xây dựng như các chùa: Trấn Quốc, Hòe Nhai, Một Cột, Kim Liên và chùa Láng. Trong đó, chùa Láng có nhiều nét đặc trưng riêng biệt, bởi đây là ngôi chùa thờ Phật, thờ Thánh, gắn với nhân vật nổi tiếng thời đại đó là Thiền sư Từ Đạo Hạnh.
< Tam quan nội chùa Láng.
Chùa Láng tọa lạc tại làng Láng. Láng hay Kẻ Láng là tên chữ của làng Yên Lãng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Chùa Láng nằm ngay sát trên đường chùa Láng của phường này. Chùa Láng được xây dựng từ thời vua Lý Thần Tông (1128 -1138) ở ngay trên nền nhà cũ của ông bà Từ Vinh thân sinh ra vị thiền sư nổi tiếng Từ Đạo Hạnh. Thiền sư Từ Đạo Hạnh từng tu tại chùa Phật Tích (Sài Sơn- Hà Nội) và theo sách Hoàn Long huyện chí, Từ Đạo Hạnh từng sang Tây Thiên học phép Phật, biết cưỡi mây, đạp nước, bay lên trời, chui xuống đất, kì diệu khôn lường…
Dulichgo
< Nhà bát giác- nét độc đáo của kiến trúc chùa Láng.
Sau khi Từ Đạo Hạnh lên núi Sài Sơn tu luyện, hóa thân đã đầu thai vào làm con trai của Sùng Hiền hầu, (em ruột Lý Nhân Tông) rồi được truyền ngôi vua là Lý Thần Tông.(1). Chùa Láng ngoài thờ Phật còn thờ Từ Đạo Hạnh và Lý Thần Tông.
< Giếng chùa được xây gạch thất, đẹp và tạo cảnh quan như vùng cổ tích.
Chùa Láng có tên chữ là Chiêu thiền tự. Bia tạo lệ chùa Chiêu Thiền (Chiêu Thiền tạo lệ tự bi) được khắc vào năm Thịnh Đức thứ 4 (1656) còn lưu giữ tại chùa đã giải thích tên chùa như sau: “Đất phúc cõi thiêng duy có chùa Chiêu Thiền bậc nhất. Vì có điềm tốt rõ rệt, nên gọi là “Chiêu”. Đây là nơi sinh ra Thiền sư Đạo Hạnh nên gọi là Thiền” (2).
< Bức Đại tự Hiển Đế hóa thần – với ngụ ý nhắc hậu thế về câu chuyện thiền sư Từ Đạo Hạnh đầu thai.
Dulichgo
Nghiên cứu về chùa và tượng chùa thời Lý, PGS. Trần Lâm Biền viết rằng: “Một dạng chùa thứ ba có nguồn gốc từ thời Lý, đó là chùa Láng. Cũng như chùa Thầy, 2 chùa Keo (Nam Định, Thái Bình), đây là ngôi chùa có kiến trúc dạng “đền thờ” mà tính chất đền ở thời xưa có lẽ khá mạnh mẽ.
< Bức đại tự Chiêu Thiền tự, có lẽ được khắc từ thời Lê trung hưng còn lại đến ngày nay được đặt tại chính điện chùa Láng.
Ngoài thờ Phật với nhiều tượng quý, thì việc thờ Thánh Từ Đạo Hạnh dưới tư cách một ông tổ “đạo sĩ” đã được hết sức quan tâm. Đôi khi người ta quên mất đó là chùa, và họ Từ là nhà sư, nên kế tục sau ông đã một thời là ông Thống hoặc bà Tự mang tư cách một thầy cúng có yếu tố phù thủy. Cũng vì thế khó tìm được ở đây những tháp hoặc nhà tổ cổ (3).
< Bảng ghi công đức sửa chùa năm 1952 được thầy Thích Đàm Huyền, trụ trì chùa Láng gìn giữ và trùng tu y hệt như cũ.
Những kiến giải trên hoàn toàn có lý khi chúng ta khám phá ngôi chùa này. Chùa có 2 tam quan, trong đó tam quan ngoại được giới nghiên cứu cho rằng có tính chất nghi môn của cung vua phủ chúa thời Lê trung hưng (1533-1789) với 4 trụ cột vuông to và ba mái nhỏ uốn cong gắn vào sườn cột.
Dulichgo
< Mâm quy – một trong những đồ để tế lễ rất đặc biệt của chùa Láng.
Tam quan này được coi là tam quan mẫu cho các công trình văn hóa khác trùng tu sau này như cổng đền Voi Phục, cổng chùa Tây Phương và cổng đình Kim Liên (Hà Nội).
Bia tạo lệ chùa Chiêu Thiền ca ngợi cảnh sắc chùa Láng: “Thế giới này dứng đầu cả ba nghìn thế giới. Cõi Thiền này vượt hẳn ba mươi sáu cõi thiền. Thật là danh lam bậc nhất, thế gian không có chùa nào sánh kịp. Khí tốt Phượng Thành bên hữu tỏa khắp, dòng sông Tô Lịch bên tả lượn vòng. Nhị Hà nghìn dặm quanh kinh đô uốn khúc, như rồng xanh lớp lớp chầu về, Tản Viên dãy núi đầy khí đẹp hướng vào, như hổ trắng đàn đàn đến họp.
< Khu vườn tháp chùa Láng.
Đây là cảnh đẹp nhất vùng Sơn Nam
Đất thiêng hun đúc của quý, người tài;
Trời khéo giáng sinh mẹ Thánh, con Phật” (4).
Kiến trúc chùa Láng có nét độc đáo mà có lẽ ít thấy trong các ngôi chùa ở Hà Nội là nhà bát giác. Nhà bát giác, còn có tên khác là nhà Bảo Cái được xây dựng ở giữa sân chùa. Nhà bát giác có mái chồng 2 tầng, 16 mái, trên đắp 8 con rồng, biểu trưng cho 8 đời triều vua Lý (Lý đế bát triều).
Dulichgo
Bước chân vào chùa Láng, du khách được bước vào một cõi thiền tĩnh lặng với những kiến trúc mang bản sắc của người Việt:, không to quá, không nhỏ quá.
Tọa lạc giữa vùng đất đã đô thị hóa, dân cư đông đúc nhưng chùa Láng vẫn giữ nguyên nét xưa. Vườn chùa, vườn tháp Tổ sau chùa là một không gian tĩnh mịch, những ngôi mộ tháp có niên đại hàng trăm tuổi là hình ảnh để khách thập phương tưởng nhớ công đức của những nhà sư đã trụ trì, đóng góp cho Phật pháp và trùng tu chùa.
Ngày nay, chùa Láng không chỉ là di tích lịch sử, mà còn là một thắng cảnh của Hà Nội.
Chú thích:
(1) Hoàn Long huyện chí. Theo Tư liệu văn hiến Thăng Long Hà Nội, Tuyển tập địa chí, tập 1. NXB Hà Nội 2010. Từ trang 659 đến trang 661. Hoàn Long huyện chí – một tác phẩm thuộc loại địa chí viết riêng về huyện Vĩnh Thuận của Hà Nội thời Nguyễn, nay thuộc các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa và một phần cả Ba Đình, do Hoàng Đặng Quỳnh – Tri huyện Bất Bạt soạn vào năm Thành Thái thứ 11 (1899)
(2) Bia tạo lệ chùa Chiêu Thiền, bản dịch trích trong sách Tuyển tập văn bia Hà Nội, Quyển 1. NXB KHXH. 1978, trang 102.
(3) Trần Lâm Biền- Một con đường tiếp cận lịch sử, NXB Văn hóa dân tộc HN 2000. Trang 415-416.
(4) Bia tạo lệ chùa Chiêu Thiền, tài liệu đã dẫn.
Theo Nguyễn Học (VOV5)
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.