RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Ngọc xanh Phiêng Bung

Advertisement

(TQO) – Bản Phiêng Bung, xã Năng Khả (Nà Hang) nằm trên độ cao trung bình 500 m, đỉnh núi cao nhất tới gần 1.000 m so với mặt biển. Từ đây có thể bao quát toàn cảnh thị trấn Nà Hang, rõ nhất là công trình thuỷ điện Tuyên Quang và vùng lòng hồ rộng lớn.

Dọc đường lên Phiêng Bung, những bông hoa rừng nhỏ nở trắng hai bên đường, từ hoa trẩu, hoa mò đến những cánh hoa ban mỏng manh mới được đưa đến đất này cũng bung ra khoe sắc. Ở độ cao hơn 500 m so với mặt nước biển, khí hậu trong lành, Phiêng Bung thuộc địa phận xã Năng Khả (Na Hang) đang trở thành lựa chọn của nhiều khách du lịch.

Miền đất của những huyền thoại

Những người dân ở Phiêng Bung đều thuộc lòng truyền thuyết hình thành mảnh đất này gắn với Tài Ngào – vị thần cai quản vùng đất xứ Na Hang xưa. Vùng đất Phiêng Bung bằng phẳng là do ông Tài Ngào gạt phẳng để nuôi gà. Nơi buộc trâu của ông Tài Ngào hiện vẫn còn, nay chính là núi Cọc Vài. Gần đó, trên vách đá có những lỗ nhỏ người dân gọi là Đăng Vài – nghĩa là mũi trâu…
Dulichgo
Bí thư chi bộ thôn Phiêng Bung Phúc Xuân Ánh gọi Phiêng Bung là miền đất của những huyền thoại. Cũng phải, bởi lẽ hầu như mỗi nhành cây ngọn cỏ nơi đây đều như vương vấn sắc màu huyền bí của những câu chuyện ngày xửa, ngày xưa. Rồi ông kể chúng tôi nghe câu chuyện về sự tích hoa Phặc Phiền gắn với mỏ cát trắng thuộc địa phận thôn này…

Ông Phúc Xuân Ánh bảo, giờ mỏ cát trắng nước vẫn trong leo lẻo, hình ảnh cô gái và chàng trai vẫn in trên vách núi Nàng Tiên. Khu vực ông Tài Ngào san phẳng nuôi gà giờ trở thành một bình nguyên bằng phẳng với rừng mỡ vài chục năm tuổi thẳng tắp được người dân Phiêng Bung ví như “rừng Đà Lạt”.

Ông Đặng Quang Năm, Trưởng thôn Phiêng Bung bảo, Phiêng Bung chỉ có 21 hộ dân, bà con trước đây sống khá khép kín, chủ yếu sản xuất theo kiểu tự sản tự tiêu. Trước xu hướng trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, thu hút khách du lịch gần xa, thôn vận động bà con chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh đường làng ngõ xóm, đồng thời, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, như trồng các loại rau rừng, nuôi gà đồi, trồng cây ăn quả.

Trong thôn đã hình thành một số mô hình nuôi gà đồi như ông Trần Văn Bình, Hoàng Văn Tiến; trồng thanh long, cam, chanh, chuối như ông Quan Văn Tư, Hoàng Văn Bình…  Những mô hình nhỏ nhưng đã bước đầu đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Ông Đặng Quang Năm phấn khởi, nhiều khách du lịch đến tận nhà tìm mua những thức quả mà gia đình trồng được, như khế ngọt, thanh long. Đây là tín hiệu vui để người dân Phiêng Bung phát triển kinh tế, cung cấp nông sản sạch cho du khách thập phương.

Điểm hẹn du lịch
Dulichgo
Những ngày hè, lượng khách du lịch chọn Phiêng Bung làm điểm nghỉ ngơi tương đối đông. Sở dĩ như vậy là do, Phiêng Bung có diện tích tự nhiên hơn 180 ha, trong đó mặt bằng rộng tới 120 ha. Hệ thực vật ở đây phong phú, nhiều năm tuổi với các loại gỗ quý như nghiến, đinh, lát… Diện tích rừng nguyên sinh còn giữ được hơn 145 ha. Không khí ở đây quanh năm mát mẻ. Phiêng Bung có nhiều động vật quý hiếm như khỉ đàn, hươu, lợn rừng, gà rừng, sóc, cu li.

Vào mùa nước, hơn chục dòng thác từ Phiêng Bung đổ xuống vùng hồ, tạo thêm vẻ mơ mộng và hấp dẫn cho hồ sinh thái Na Hang.  Phiêng Bung ngày nay đã được quy hoạch vào Khu du lịch sinh thái vùng hồ sinh thái Na Hang. Khu Du lịch sinh thái lâm viên Phiêng Bung tạo thành một hệ thống du lịch hoàn chỉnh, bền vững, liên hoàn, có liên quan chặt chẽ với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch chung của huyện nói riêng và cả tỉnh nói chung.

Theo quy hoạch chi tiết thì tại đây có thể xây dựng sân bay, sân golf, sân tennis, khu trượt cỏ, trường đua ngựa, khu nhà nghỉ bình dân và khu biệt thự cao cấp, nhà hàng ăn uống, khu vui chơi giải trí, đường giao thông nội bộ phục vụ du khách dạo chơi, thám hiểm rừng nguyên sinh, núi Pắc Tạ và tuyến cáp treo từ đỉnh Phiêng Bung đến khu vực công trình thủy điện Tuyên Quang.
Dulichgo
Dự án phát triển Khu lâm viên Phiêng Bung đang triển khai mời gọi các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đầu tư tại đây. Theo Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Na Hang, đã có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn về du lịch đến tìm hiểu tại đây như Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường, Tập đoàn FLC Thanh Hóa, Tập đoàn Vingroup…

Để điểm du lịch Phiêng Bung đẹp hơn trong mắt du khách, thanh niên huyện Na Hang đã chung tay xây dựng tuyến đường hoa thanh niên dài hơn 4 km. Anh Phạm Tiến Sỹ, Bí thư Huyện đoàn Na Hang cho biết, trên tuyến đường này, đoàn thanh niên lựa chọn các loại hoa như ngũ sắc, hoa giấy, hoa ban, hoa đào, hoa cúc… để tạo thêm điểm nhấn cho khách du lịch. Anh Sỹ cho biết, trước đó Huyện đoàn đã xây dựng được 1 khu vực trồng hoa trên đường lên Thác Mơ và thu hút khá đông khách du lịch gần xa lựa chọn để ghi lại những hình ảnh trong hành trình khám phá Na Hang.

Na Hang giờ đang trở thành điểm đến của nhiều khách du lịch ưa mạo hiểm, khám phá. Chỉ riêng trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, đã có hơn 12 nghìn lượt du khách đến Na Hang khám phá, nghỉ ngơi. Trong những điểm nhấn ấy, Phiêng Bung được ví như viên ngọc xanh giữa đại ngàn, là nơi đưa du khách trở về gần gũi nhất với thiên nhiên.

Theo Trần Liên (Báo Tuyên Quang)
Người Miền Trung !

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468