RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Người thổi khèn ở vùng đất cổ Si Ma Cai

Advertisement

(LĐO) – Giữa đại ngàn, tiếng khèn réo rắt ấy gửi gắm niềm vui, nỗi buồn tới những bản làng để sẻ chia, đó là tiếng khèn của “vua khèn” Thào A Dín ở vùng đất cổ Si Ma Cai (Lào Cai). Ông không chỉ thổi hay mà bao năm nay còn say sưa truyền dạy những bài khèn cho lớp trẻ để lưu giữ văn hóa của dân tộc.

Cả đời dùng tiếng khèn tiễn người về nơi chín suối

Men theo một khúc cua ngoằn ngoèo về Sín Chéng (Si Ma Cai, Lào Cai), những cơn mưa đầu mùa mang nước đầu nguồn đổ về trên những thửa ruộng bậc thang tạo ra những vệt màu đa sắc nơi miền núi đá. Bà con nhân dân đang hối hả làm ruộng để chuẩn bị một vụ mới.

Có mặt tại Sín Chéng hỏi thăm nghệ nhân Thào A Dín ai ai cũng hồ hởi chỉ đường. Vượt qua cánh đồng Sín Chải rộng bao la là tới căn nhà trình tường của ông Dín, nằm cạnh bên những thửa ruộng bậc thang đọng nước.

Khi chúng tôi đến, ông Dín đang cầm chiếc khèn ngồi trên chiếc ghế gỗ bạc màu. Ông nắn nót chỉ từng bước cho cậu cháu trai chưa đầy 5 tuổi chơi khèn. Bỗng, mười ngón ông nắn phím, miệng bập vào đầu ống, cây khèn như đang ngủ say chợt thức giấc.

Thấy chúng tôi với anh Thào A Sàn, cán bộ văn hóa xã Sín Chéng tới chơi, ông Dín ngưng thổi mà mời chúng tôi vào uống chén trà. Bước sang tuổi 85, ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ông vẫn “ăn khèn, ngủ khèn”.
Dulichgo
Nơi miền núi đá mà ông sinh ra, những đứa trẻ khi còn chưa lọt lòng mẹ đã được nghe tiếng khèn Mông của ông cha. Rồi khi lớn lên họ biết cầm khèn theo mẹ lên nương, theo cha xuống chợ phiên ăn thắng cố. Tiếng khèn làm bạn với họ thời thơ ấu, gọi bạn những đêm trăng, rồi tiếng khèn lại tiễn họ về với núi.

Sống giữa cái nôi của nền văn hóa ấy giai điệu của khèn đã ngấm vào máu thịt ông. 10 tuổi ông đã biết thổi những nốt nhạc đầu tiên trong bài khèn gốc, 12 tuổi ông xin phép cha khăn gói sang huyện Xín Mần (Hà Giang) theo ông Thào A Pao – “thần khèn” trên mảnh đất Xín Mần để học hỏi, tìm hiểu thêm về động tác, ý nghĩa các bài khèn.
Năm 17 tuổi, chàng trai trẻ Thào A Dín đã múa điêu luyện các bài khèn. Sau khi học xong, ông Dín trở về quê hương, mang kiến thức học được đi phục vụ cộng đồng.

Ông múa khèn với các nghệ nhân ở khắp các xã của Si Ma Cai như Cán Cấu, Mản Thẩn, Nàn Sán… đi đến đâu người dân đều quý trọng và nể phục tài năng múa khèn đến đó, ông được dân làng phong cho danh hiệu thầy khèn. Tiếng tăm nổi lên từ đó và ông luôn được người dân trong vùng mời làm chủ tang chí kềnh (thầy khèn) tham gia các nghi lễ tang ma, nhù đà và chí tào (chủ tào) trong lễ hội gầu tào.

Sau một hồi trò chuyện, ông Dín lại đưa tay lấy chiếc khèn đứng lên thổi cùng thực hiện những động tác tay chân kết hợp múa cho chúng tôi xem. Ông múa bài khèn vượt biển để tiễn một người đàn ông về với tổ tiên. Tiếng khèn cất lên í í, ồ ồ… âm thanh lúc trầm, lúc bổng, nhưng liên tục không ngắt ngừng như làn gió thổi, tiếng suối reo.
Dulichgo
Thổi hết bài đó, ông Dín cho biết, bài này là bài tôi thổi nhiều nhất trong cuộc đời cầm khèn của mình và để lại cho tôi nhiều trăn trở. Bài này nói về quá trình di cư vượt biển của người Mông. Trong tang lễ, điệu khèn vượt biển mô tả về quá trình di cư đến và đưa hồn ma vượt biển về nơi khởi nguồn.

Trong tiếng khèn có những câu như: “Vì tuổi cao nên ông mất đi, gia đình đừng đau lòng quá. Hãy tìm cho mình một nơi yên nghỉ”. Cái chết là giấc ngủ mãi mãi, trong đám hiếu của người Mông, tiếng khèn sẽ chỉ đường, dẫn lối cho linh hồn người mất về thế giới bên kia.

Mặt khác, tiếng khèn còn được coi là công cụ giúp người sống nói lên nỗi lòng của mình với người đã khuất. Bởi vậy, dù biết thành thạo hơn 150 bài khèn nhưng ông vẫn gắn bó và thể hiện nhiều nhất các bài khèn trong lễ tang ma.
Mỗi một đám tang, gia chủ chỉ biếu ông một cân thịt mang về nhưng ông cảm thấy trong lòng thoải mái vì tiếng khèn của mình tiễn đưa được người đã khuất về với tổ tiên thanh thản và siêu thoát.

Gìn giữ bản sắc văn hoá của người Mông

Trong nhiều năm qua, nghệ nhân ưu tú Thào A Dín luôn đam mê múa khèn phục vụ đồng bào. Ông đã múa và thổi khèn thành thục khoảng hơn 100 bài với kỹ thuật cao như thổi tỏ tình, thổi tiễn đưa người đã chết về thế giới bên kia… Đồng thời hát thành thạo khoảng 50 bài dân ca về tình yêu, gia đình gồm hát than thân, ru con, tình yêu.
Dulichgo
Ông có thể múa được 15 bài võ dân tộc (võ gậy, võ kiếm, võ liềm…) và đọc thông thạo trên 50 truyện cổ tích của dân tộc Mông (truyện cổ tích về sự ra đời của cây khèn, sáo, truyện con nhà nghèo…).

Học khèn và biểu diễn từ ngày còn nhỏ, đến khi bước qua tuổi 55, sức khỏe của ông yếu dần đi, nên ông ít đi múa khèn mà bắt đầu dậy học trò. Nhìn cách ông nâng niu cây khèn đã nhuốm màu thời gian mấy chục năm đủ để biết ông trân trọng người bạn tâm giao đó đến nhường nào.

Người Mông thích thổi khèn, thích múa khèn và nghe tiếng khèn, bởi khèn thể hiện lịch sử của một dân tộc, tình mẫu tử, nghĩa tình anh em và lẽ sống của dân tộc Mông. Ông chia sẻ: “Khèn ở bên mình phải luôn được bảo quản kỹ, lúc nào cũng luôn treo trên cao, để đầu thổi ngược xuống, nhét bông vào các lỗ trên khèn để không cho tò vò chui vào làm tổ. Ông lo những thế hệ các cháu thiếu nhi sẽ không còn đam mê với tiếng khèn dân tộc, không còn giữ được nét đẹp của người Mông.

Vậy nên, dù sức đã yếu ông vẫn luôn sẵn lòng cầm cây khèn lên, chỉ dạy cho thế hệ sau. Ông sẽ vẫn còn khèn cho đến khi đôi tay không thể nắn phím, miệng không thể thổi ra hơi”. Ông Dín còn cho biết thêm, học thổi khèn và múa khèn rất khó, cần phải kiên trì và thực sự có niềm đam mê. Phải có người thực sự yêu nó, hiểu nó mới ra được bài khèn hay. Đến nay, ông đã truyền dạy được khoảng 155 học trò. Hiện học trò của nhỏ tuổi nhất là 5 tuổi Thào A Phòng.

Ngoài ra, nhiều thợ kèn ở Si Ma Cai được ông truyền dạy cũng đã có kinh nghiệm diễn khèn trong các nghi lễ. Anh Giàng A Chứ, một học trò của ông Dín bày tỏ: “Là một người trẻ tuổi, tôi rất thích văn hóa khèn của dân tộc mình. Tôi được thầy Dín dạy thổi khèn, tôi rất thích. Tôi sẽ học hết những bài khèn để tiếp tục gìn giữ những bài khèn này vì những bài khèn này rất quan trọng với đồng bào Mông sẽ được dùng từ đời này qua đời khác. Tôi rất cảm ơn thầy Dín đã tâm huyết chỉ dạy cho tôi”.
Dulichgo
Năm 2013, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai đã mời ông phối hợp thực hiện dự án “Khôi phục và truyền dạy điệu múa khèn vượt biển của người Mông trắng ở xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai” do Quỹ “Hỗ trợ bảo tồn văn nghệ dân gian” (CEEVN) tài trợ. Ông đã nhiệt tình phối hợp thực hiện, góp phần khôi phục và truyền dạy thành công điệu múa trên cho thế hệ thanh niên dân tộc Mông.

Cũng tại năm đó, ông được nhận Bằng “Nghệ nhân dân gian” của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Ghi nhận những đóng góp to lớn của ông, ngày 13.11.2015, ông Thào A Dín vinh dự được Chủ tịch Nước phong tặng Danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghệ thuật trình diễn dân gian.

Những bài khèn Mông với lời ca thắm thiết, da diết lòng người. Khi buồn, khi vui người Mông đều mang khèn ra thổi. Tiếng khèn du dương ấy mãi vang vọng khắp núi rừng khi có những người con của đồng bào Mông như nghệ nhân Thào A Dín luôn trách nhiệm giữ gìn, lưu truyền văn hóa dân tộc.

Theo Mộc Miên, Đăng Hải (Lao Động)
Người Miền Trung !

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468