I. Đọc hiểu tiểu dẫn
1. Tác giả
Trần Đình Hượu (1927-1995), là một chuyên gia về các vấn đề văn hóa, tư tưởng Việt Nam. Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, tư tưởng có giá trị: Đến hiện đại từ truyền thống (1994), Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại (1995), Các bài giảng về tư tưởng phương Đông (2001),…
2. Tác phẩm
Đến hiện đại từ truyền thông của PGS. Trần Đình Hượu là một trong những công trình nghiên cứu văn hóa có ý nghĩa. “Về một số mặt của văn hóa truyền thống” được trích ở phần “Về vấn đề tìm đặc sắc văn hoá dân tộc” (mục 5. phần II và toàn bộ phần III) thuộc công trình “Về một số mặt của văn hóa truyền thống”.
II. Đọc hiểu văn bản
1. Khái quát chung về đoạn trích
Trong bài, người viết đã thoát khỏi thái độ hoặc ngợi ca, hoặc chê bai đơn giản thường thấy khi tiếp cận vấn đề. Tinh thần chung của bài viết là tiến hành một sự phân tích, đánh giá khoa học đối với những đặc điểm nổi bật của văn hoá Việt Nam. Tác giả đã sử dụng giọng văn điềm tĩnh, khách quan để trình bày luận điểm của mình. Người đọc chỉ có thể nhận ra được nguồn cảm hứng thật sự của tác giả nếu hiểu cái đích xa mà ông hướng đến: góp phần xây dựng một chiến lược phát triển mới cho đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, kém phát triển hiện thời.
2. Về quan niệm sống, quan niệm về lí tưởng và cái đẹp trong văn hoá Việt Nam
* Quan niệm sống, quan niệm về lí tưởng:
– “Coi trọng hiện thế trần tục hơn thế giới bên kia”, “nhưng cũng không bám lấy hiện thế, không quá sợ hãi cái chết”.
– “Ý thức về cá nhân và sở hữu không phát triển cao”.
– “Mong ước thái bình, an cư lạc nghiệp để làm ăn cho no đủ, sống thanh nhàn, thong thả, có đông con nhiều cháu”.
– “Yên phận thủ thường, không mong gì cao xa, khác thường, hơn người”.
– “Con người được ưa chuộng là con người hiền lành, tình nghĩa”.
– “Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo”, “không chuộng trí mà cũng không chuộng dũng”, “dân tộc chống ngoại xâm liên tục nhưng không thượng võ”.
– “Trong tâm trí nhân dân thường có Thần và Bụt mà không có Tiền“.
* Quan niệm về cái đẹp:
– “Cái đẹp vừa là xinh, là khéo”.
– “Không háo hức cái tráng lệ, huy hoàng, không say mê cái huyền ảo, kỳ vĩ. Màu sắc chuộng cái dịu dàng, thanh nhã, ghét cái sặc sỡ”.
– “Tất cả đều hướng vào cái đẹp dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng và có quy mô vừa phải”.
Tóm lại: Quan niệm trên đây thể hiện “văn hoá của dân nông nghiệp định cư, không có nhu cầu lưu chuyển, trao đổi, không có sự kích thích của đô thị; tế bào của xã hội nông nghiệp là hộ tiểu nông, đơn vị của tổ chức xã hội là làng”. Đó là “kết quả của ý thức lâu đời về sự nhỏ yếu, về thực tế nhiều khó khăn, nhiều bất trắc” của họ trong cuộc sống. Và sau hết còn có “sự dung hợp của cái vốn có, của văn hoá Phật giáo, văn hoá Nho giáo”, “từ ngoài du nhập vào nhưng để lại dấu ấn sâu sắc trong bản sắc dân tộc”.
2. Đặc điểm nổi bật của nền văn hoá Việt Nam-thế mạnh và hạn chế
– Đặc điểm nổi bật của sáng tạo văn hoá Việt Nam là: “thiết thực, linh hoạt, dung hoà”.
– Thế mạnh của văn hoá truyền thống là tạo ra một cuộc sống thiết thực, bình ổn, lành mạn với những vẻ đẹp dịu dàng, thanh lịch, những con người hiền lành, tình nghĩ, sống có văn hoá trên một cái nền nhân bản.
– Hạn chế của nền văn hoá truyền thống là không có khát vọng sáng tạo lớn trong cuộc sống, không mong gì cao xa, khác thường, hơn người, trí tuệ không được đề cao.
Sau khi nêu những điểm không đặc sắc của văn hoá Việt Nam (không đồng nghĩa với việc “chê”), tác giả lại khẳng định: “người Việt Nam có nền văn hoá của mình” (không đồng nghĩa với việc “khen”). Cách lập luận của tác giả không hề mâu thuẫn. Bởi theo tác giả quan niệm, việc đi tìm cá riêng của văn hoá Việt Nam là không nhất thiết phải gắn liền với việc cố chứng minh dân tộc Việt Nam không thua kém cái dân tộc khác ở điểm mà thế giới đã thà nhận là rất nổi bật ở các dân tộc ấy. Nỗ lực chứng minh như vậy là một nỗ lực vô vọng. Tác giả chỉ ra những điểm “không đặc sắc” của văn hoá Việt Nam là trên tinh thần ấy. Việc làm của tác giả hàm chứa một gợi ý về phương pháp luận nghiên cứu vấn đề bản sắc văn hoá dân tộc.
Hơn nữa, tác giả quan niệm văn hoá là sự tổng hoà của nhiều yếu tố, trong đó lối sống, quan niệm sống là yếu tố then chốt. Khi quan sát thấy người Việt Nam có lối sống riêng. quan niệm sống riêng, tác giả hoàn toàn có cơ sở để khẳng định: người Việt Nam có nền văn hoá riêng. Hoá ra, “không đặc sắc” ở một vài điểm hay được người ta nhắc tới không có nghĩa là không có gì.
Tác giả đã có một quan niệm toàn diện về văn hoá và triển khai công việc nghiên cứu của mình dựa vào việc khảo sát thực tế khách quan chứ không phải vào các “tri thức tiên nghiệm”.
3. Tôn giáo và văn hoá truyền thống Việt Nam
– Những tôn giáo có ảnh hưởng mạnh đến văn hoá truyền thống Việt Nam là: Phật giáo và Nho giáo (Phật giáo và Nho giáo tuy từ ngoài du nhập vào nhưng đều để lại dấu ấn sâu sắc trong bản sắc dân tộc).
– Để tạo nên bản sắc văn hoá dân tộc, người Việt Nam đã tiếp nhận tư tưởng của tôn giáo này theo hướng:“Phật giáo không được tiếp nhận ở khía cạnh trí tuệ, cầu giải thoát, mà Nho giáo cũng không được tiếp nhận ở khía cạnh nghi lễ tủn mủn, giáo điều khắc nghiệt”. Người Việt tiếp nhận tôn giáo để tạo ra một cuộc sống thiết thực, bình ổn, lành mạnh với những vẻ đẹp dịu dàng, thanh lịch, những con người hiền lành, tình nghĩa, sống có văn hoá trên một cái nền nhân bản.
4. Con đường hình thành bản sắc dân tộc của văn hoá Việt Nam
– Trong lời kết của đoạn trích, PGS. Trần Đình Hượu khẳng định: “Con đường hình thành bản sắc dân tộc của văn hoá không chỉ trông cậy vào sự tạo tác của chính dân tộc đó mà còn trong cậy vào khả năng chiếm lĩnh, khả năng đồng hoá những giá trị văn hoá bên ngoài. Về mặt đó, lịch sử chứng minh là dân tộc Việt Nam có bản lĩnh”.
– Khái niệm “tạo tác” ở đây là khái niệm có tính chất quy ước, chỉ những sáng tạo lớn, những sáng tạo mà không dân tộc nào hoặc có mà không đạt được tầm vóc kì vĩ, gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến xung quanh, tạo thành những mẫu mực đáng học tập.
– Khái niệm “đồng hoá” vừa chỉ vị thế tồn tại nghiêng về phía tiếp nhận những ảnh hưởng lan đến từ các nguồn văn minh, văn hoá lớn, vừa chỉ khả năng tiếp thu chủ động của chủ thể tiếp nhận-một khả năng cho phép ta biến những cái ngoại lai thành cái của mình, trên cơ sở gạn lọc và thu giữ.
– Khái niệm “dung hợp” vừa có những mặt gần gũi với khái niệm “đồng hoá” vừa có điểm khác. Với khái niệm này, người ta muốn nhấn mạnh đến khả năng “chung sống hoà bình” của nhiều yếu tố tiếp thu từ nhiều nguồn khác nhau, có thể hài hoà được với nhau trong một hệ thống, một tổng thể mới.
– Như vậy, khi khái quát bản sắc văn hoá Việt Nam , tác giả không hề rơi vào thái độ tự ti, miệt thị dân tộc. Và “Nền văn hoá tương lai” của Việt Nam sẽ là một nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Có hoà nhập mà không hoà tan, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại để làm giàu cho văn hoá dân tộc.
5. Ý nghĩa của việc tìm hiểu truyền thống văn hoá dân tộc
– Trong bối cảnh thời đại ngày nay, việc tìm hiểu bản sắc văn hoá dân tộc trở thành một nhu cầu tự nhiên. Chưa bao giờ dân tộc ta có cơ hội thuận lợi như thế để xác định “chân diện mục” của mình qua hành động so sánh, đối chiếu với “khuôn mặt” văn hoá của các dân tộc khác. Giữa hai vấn đề hiểu mình và hiểu người có mối quan hệ tương hỗ.
– Tìm hiểu bản sắc văn hoá dân tộc rất có ý nghĩa đối với việc xây dựng một chiến lược phát triển mới cho đất nước, trên tinh thần làm sao phát huy được tối đa mặt mạnh vốn có, khắc phục được nhược điểm dẫn thành cố hữu để tự tin đi lên.
– Tìm hiểu bản sắc văn hoá dân tộc gắn liền với việc quảng bá cái hay, cái đẹp của dân tộc để “góp nhặt”cùng năm châu, thúc đẩy một sự giao lưu lành mạnh, có lợi chung cho việc xây dựng một thế giới hoà bình, ổn định và phát triển.
III. Tổng kết
Bài viết của PGS. Trần Đình Hượu cho thấy: nền văn hoá Việt Nam tuy không đồ sộ nhưng vẫn có nét riêng, là tinh thần cơ bản là “thiết thực, linh hoạt, dung hoà”. Tiếp cận vấn đề bản sắc văn hoá Việt Nam phải có một con đường riêng, không thể áp dụng những mô hình cứng nhắc hay lao vào chứng minh cho được cái không thua kém của dân tộc mình so với dân tộc khác trên một số điểm cụ thể.
Bài viết thể hiện rõ tính khách quan, khoa học và tính trí tuệ.
(Đã chỉnh sửa theo nguồn từ Internet)
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.