(LĐO) – Dọc theo gần 100 km bờ biển vùng giáp ranh giữa hai mảnh đất Phú Yên và Khánh Hòa, lâu lâu lại gặp một ngôi làng be bé, có khi chỉ hơn chục hộ dân lẩn khuất trong những hóc núi. Những ngôi làng lạ như thế này, tôi chưa gặp bao giờ trên dặm dài đất nước.
Vì sao Đại Lãnh?
Đôi khi là một cái tên đã lưu truyền sử sách, ví như Đại Lãnh dưới chân đèo Cả thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa. Là bờ biển – danh thắng duy nhất của hàng nghìn km bờ biển Việt Nam được vua Minh Mạng cho khắc trên Cửu Đỉnh đặt trước sân Thế Miếu vào năm 1836. Và năm 1853, dưới triều vua Tự Đức, hai chữ Đại Lãnh thêm lần nữa lại có tên trong từ điển quốc gia do triều đình biên soạn.
Tôi đã một đêm “lăn lóc” ở làng biển ấy, chỉ để lý giải cho được phần nào thắc mắc vì sao vua Minh Mạng và các hàn lâm học sĩ của triều đình nhà Nguyễn thời điểm ấy lại chọn biển Đại Lãnh cho Cửu Đỉnh mà không phải là một bờ biển nào khác trên đất nước mình? Để rồi nghe một thất vọng với một bờ biển nhiều rác, những dự án du lịch bỏ hoang hàng chục năm, những bờ kè nham nhở… Hay Đại Lãnh được chọn là vì nơi đây lại có cảnh núi rừng ngoạn mục cùng thế đất “biển một bên và núi một bên”. Với Bắc là 12km đèo Cả quanh co, Nam là đèo Cổ Mã mà nhìn xa như dáng một chú ngựa đang lao xuống tắm Biển Đông không nơi nào có được?.
Dulichgo
Hay như lịch sử đã chọn đèo Cả, chọn núi Đá Bia này để giằng co uy quyền khi đây từng là vùng đất phên dậu, là miền giao tranh ác liệt từ thuở Đại Việt cho đến những cuộc kháng chiến sau này. Bỏ qua những huyền thoại rêu mờ, chỉ tính một chặng đường hơn 400 năm kể từ ngày chúa Nguyễn Hoàng đặt tên cho Phú Yên, mỗi tấc đất nơi đây đều thấm đẫm máu của người Việt. Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống Pháp, đèo Cả là lá chắn không cho giặc Pháp tiến quân từ Nha Trang ra đánh chiếm Phú Yên, tạo nên vùng tự do Liên khu 5 và hình thành một hậu phương cho Tây Nguyên cùng các tỉnh Nam Trung bộ. Trong kháng chiến chống Mỹ, Vũng Rô dưới chân núi Đá Bia là nơi đón những con tàu không số vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk…
Sau món lẩu mực đặc sản chỉ có ở vùng biển này, tôi được người bản địa đãi một chầu “dân gian tương truyền”. Đại ý cách đây hơn một thế kỷ, trên con đường độc đạo Bắc – Nam qua Đại Lãnh gập ghềnh hiểm trở và rất nhiều thú dữ luôn rình rập. Vì vậy, người đi lại muốn vượt qua chặng đường này phải tập trung thành từng tốp, từng đoàn, vừa đi vừa “đánh trống khua chiêng” mới mong bình an vượt qua đèo Cả.
Dulichgo
Và vào năm thứ mười ba triều Thành Thái, có một người quê ở Thừa Thiên tên là Phạm Ngũ Giáo, khỏe mạnh, học rộng nhưng lận đận trong đường công danh, khoa cử. Khi đến đây, thấy phong cảnh đẹp, có núi cao, biển rộng, ông liền lưu lại vùng này để làm ăn sinh sống. Định cư tại đây, ông Giáo đã lặn lội vào mãi Tu Bông, Bình Trung, Vạn Giã gặp gỡ, kết bạn với các nho sĩ và hành nghề thuốc nam chữa bệnh giúp người nghèo trong vùng. Sau này, ông quy tụ nhiều người tha phương cầu thực khắp nơi về đây, lập nên làng Đại Lãnh đông vui, trù phú như bây giờ.
Thực hư thế nào không rõ. Chỉ biết giờ ở Đại Lãnh, có gần 50% là người Thừa Thiên Huế (hơn 100 hộ dân với khoảng 400 khẩu). Họ phần lớn là người miệt biển Thuận An, di cư vào đây khoảng sau năm 1975 và cũng sinh sống bằng nghề đi biển. Những người Huế ở Đại Lãnh dù kinh tế không bằng ai nhưng luôn “tự sướng” rằng “không ai dám coi khinh mình vì mình gốc gác kinh sư, sống, cư xử có lề thói truyền thừa” như lời ông Phạm Thừa, 82 tuổi ở thôn Đông Bắc, xã Đại Lãnh.
“Ngón tay chúa”
Buổi trưa, là một hóc núi ở xã Hòa Xuân Nam (Đông Hòa, Phú Yên), nơi tôi ngồi ngắm núi thiêng Đá Bia (Thạch Bi Sơn) cao hơn 700 mét phủ mờ huyền thoại. Từ xa xưa, các nhà hàng hải người Pháp gọi là “ngón tay Chúa”, vì theo họ từ ngoài biển nhìn vào trông như một ngón tay chỉ thẳng lên trời, ngón tay đó trở thành dấu mốc tàu thuyền định hướng vào bến Đại Lãnh, Vũng Rô. Đến năm 1890, Varella – một sĩ quan hải quân Pháp chỉ định xây dựng ngọn hải đăng mũi Điện nằm ở phía đông Đá Bia vốn là một trong hai điểm đất liền ở Việt Nam đón bình minh sớm nhất.
Dulichgo
Trong tiến trình mở đất về phương Nam, núi Thạch Bi Sơn có một dấu ấn lịch sử rất lớn, từng đóng vai trò phân ranh giữa hai nước Đại Việt và Chiêm Thành. Dân gian tương truyền, thật ra là một công án của lịch sử khi nhiều tác phẩm biên khảo cho rằng vào năm 1471 vị vua trẻ tài ba Lê Thánh Tông trong một lần “phạt Chiêm” đã tiến quân đến tận chân núi Đèo Cả và sai lính khắc bia để làm ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành thời ấy.
Có thể vua Lê Thánh Tông thời ấy đã đặt chân đến “ngón tay Chúa” và khắc bia phân định chủ quyền nhưng cũng có thể chỉ là huyền sử mong ước. Nhưng tư tưởng “Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để cho ai lấy mất một phân núi, một tấc sông của vua Thái tổ để lại” của vua Lê Thánh Tông là có thật và đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự…
Cách đây hơn 63 năm, khi có mặt trong đoàn quân Nam tiến hướng vào mặt trận đèo Cả, thi sĩ Hữu Loan đã để lại cho đời bài thơ “Đèo Cả” nổi tiếng nhất trong đời thơ của ông và được chọn là một trong 100 bài thơ hay nhất trong thế kỷ 20: “Đèo Cả! Đèo Cả!/ Núi cao ngất/ Mây trời Ai Lao/ Sầu đại dương…./ Những người đi Nam tiến/ Dừng lại đây giữa đèo núi quê hương/ Tóc tai trùm vai rộng/ Không nhận ra người làng/ Rau khe cơm vắt áo pha màu sa trường/ Ngày thâu vượn hót/ Đêm canh gặp hùm lang thang…”.
Nhà văn Pháp Roland Dorgelès trong cuốn ký sự “Trên đường cái quan” (Sur la route mandarine), hồi đầu thế kỷ trước, đã mô tả đèo Cả: “Những hòn đá cao quá bắt ngộp, nghiêng mình mà trầm tư mặc tưởng, những cái thác nhỏ trắng phau, chảy từ cao xuống hố thẳm, những cây suôn đuột lên trời, bốn bên dây lá leo phủ, thật là một cảnh cỏ cây chen đá lá chen hoa…”.
Dulichgo
Bây giờ lang thang qua Đèo Cả, qua những ngôi làng trong hóc núi, dễ gì còn cảnh “Ngày thâu vượn hót/ Đêm canh gặp hùm lang thang” như Hữu Loan dạo trước. Nhưng ở đây vẫn còn vẹn nguyên sự hoang sơ với những bãi biển cát mịn trắng tinh, nước luôn xanh một màu ngọc, đã thế còn hòa với nước suối ngọt mát đổ xuống từ các chân núi.
Ở một trong những làng chài cổ xưa nhất có tên là Vũng Rô, lâu lắm tôi mới nghe thấy một mùi gió biển nguyên chất mặn tanh đến nôn nao xộc thẳng vào mũi. Thứ mùi biển của “quê mình thời còn chưa có dấu chân của những người thành thị. Ở đây lần đầu tiên trong đời tôi được thưởng thức món thịt nướng từ con lợn rừng nằm ngủ mê ngoài suối, rau củ thì hái ngoài vườn, mực cá tươi xanh thở phì phò thì luôn có sẵn dưới biển. Trưa nằm trên võng còn được khuyến mại món gió núi ngã nghiêng cây rừng cùng một màu xanh vàng hanh hao sau ống kính máy ảnh…
Theo Tường Minh (Lao Động)
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.