(LĐO) – Những ngày đầu năm, khí trời ở huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị thật tuyệt, chỉ hơi se lạnh kèm theo nắng nhẹ. Đi vào bản làng người đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở phía Tây huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) ăn Tết cùng dân bản, mà cứ ngỡ một vùng quê nào đó, bởi những bản làng xa xôi, hẻo lánh nhất ở đây cũng đã được hòa lưới điện quốc gia. Thêm nữa, tiễn năm cũ với một vụ mùa bội thu, nên nhà nào cũng làm bánh Ayỡh để dâng cúng tổ tiên và mừng năm mới.
Điện về, bản làng sáng trưng
Mặt trời lẩn khuất sau núi Tớc, cũng là lúc đôi chân muốn khuỵu xuống sau 4h lội bộ qua đoạn đường mòn, lầy lội giữa rừng. Nghỉ dăm phút để thở dốc, nhìn bản Trỉa (xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa) uốn lượn dưới kia bắt đầu lên đèn. Bây giờ, buổi tối ở bản Trỉa không phải là ngọn đèn dầu le lói, hay bóng đèn lù bởi dòng điện yếu ớt bằng thủy điện mini nữa…
Tôi cứ nhớ mãi ánh mắt, giọng nói của già làng Trần Xa Đê khi bản Trỉa được tặng cái máy xay xát, thời điểm đó ở bản chưa có điện. Rằng máy xay xát cũng như con người, no cái bụng mới làm việc được, nhưng bản Trỉa chỉ có thủy điện mini, điện yếu nên không thể khởi động được máy. Già làng Xa Đê còn ví máy xay xát là “cỗ máy văn minh”, có thể giải phóng được tiếng giã gạo của người phụ nữ vào thời điểm gà gáy sớm, nên người dân ở đây đều mong mỏi, điện của nhà nước sẽ vào sớm với bản làng. Vào Trỉa, ở lại nhà già Xa Đê mới đó mà đã vèo vèo 5 năm trôi qua, nay chiếc máy xay xát để ở đầu bản đã rỉ sét, không dùng được nữa, già Xa Đê tuổi cao cũng đã từ biệt bản làng về với đất mẹ. Thoáng buồn vì người xưa đã khuất, nhưng khi nghe trưởng bản Hồ Văn Đàn khoe vừa được hòa lưới điện quốc gia, nên chúng tôi phăng phăng vượt núi vào Trỉa.
Dạo một vòng quanh bản, ghé thăm từ điểm trường bản Trỉa, nhà anh Hồ Văn Minh trước kia là trưởng bản, nhà của già Trần Xa Đê, nhà của Hồ Văn Đàn, đâu cũng ánh điện sáng trưng. Ở giữa gian nhà một bóng điện, ở góc nhà là chiếc đèn học của các em nhỏ, ở trước nhà cũng một bóng điện, tối đến ở Trỉa không còn một màu đen đặc nữa. Sống lâu với thiếu thốn, kham khổ, nay nhiều gia đình ở bản Trỉa đã sắm tivi to, nồi cơm nấu bằng điện rất tiện lợi.
Anh Hồ Văn Đàn bảo, Trỉa được đóng điện vào ngày 23.12.2016, cách nay hơn 1 tháng. Trong hơn 1 tháng đó, đời sống của bà con có nhiều đổi khác, điện không chỉ thắp sáng, mà còn phục vụ nhiều cho việc sinh hoạt sản xuất.
Đem câu chuyện về chiếc máy xay xát của già Xa Đê kể với vị trưởng bản trẻ tuổi, Hồ Văn Đàn nói bây giờ không lo máy xay xát “đói” nữa. “Sống tách biệt với trung tâm xã vì chưa có đường, nhưng nay khá hơn chút là có điện rồi, có trường rồi. Đón năm mới có điện, có cái mới nên ai cũng vui. Tới đây, không chỉ một “cỗ máy văn minh”, mà sẽ có rất nhiều cỗ máy khác, rồi đây đời sống của người dân ở Trỉa chắc chắn sẽ khá hơn” – Trưởng bản Hồ Văn Đàn, phấn chấn.
Cả bản làm bánh Ayỡh ăn Tết
Trỉa là bản làng cuối cùng ở tỉnh Quảng Trị hòa lưới điện, đồng nghĩa với việc ánh điện đã phủ khắp, không còn đèn dầu leo lét dẫu là vùng xa, vùng khó. Xóa vùng “trũng” điện, đó là điều đáng mừng, nhưng năm qua ở miền núi Hướng Hóa còn mừng hơn nữa – khi những vụ mùa vừa kết thúc đều bội thu, không chỉ cho trái ngọt, mà giá trị cao và đầu ra ổn định.
Nếu trước kia, người đồng bào Vân Kiều – Pa Cô ở huyện Hướng Hóa chỉ biết cuốc trỉa, chọc lỗ tra hạt với các loại cây lương thực truyền thống, thì nay cây nông sản cho giá trị cao đã không còn gì lạ lẫm. Ở vùng Lìa (7 xã phần lớn là đồng bào thiểu số), người dân trồng sắn và cây chuối mật mốc, còn ở phía Tây huyện Hướng Hóa, bà con dân bản lại gắn bó với cây cà phê arabica. Cây cà phê năm nay được mùa, giá thì ngay từ đầu vụ đã cao, cao nhất 10 năm trở lại đây và suốt cả vụ đều duy trì ổn định như vậy.
Còn cây chuối mật mốc, năm trước người trồng chuối kêu trời vì giá rớt tận đáy, chuối chín trên cây rơi rụng chẳng quan tâm vì có thu hoạch cũng lỗ chổng vó. Nhưng năm nay lại khác, đầu năm giá cả nhích dần lên, đến cuối năm thì giá ổn định trở lại. Thời điểm này thì không còn chuối trên nương nữa, cung không đủ cầu và giá rất cao. Riêng chuối mật mốc và cà phê, giá trị thu được trong năm 2016 hơn 700 tỉ đồng, một con số không hề nhỏ đối với huyện miền núi phần lớn là người đồng bào thiểu số. Bởi vậy, khi xong vụ cà phê, mùa gặt vừa kết thúc, dân bản đã tất bật chuẩn bị ăn Tết cổ truyền.
Gà mới cất tiếng gáy đầu, ông Hồ Văn Kiên (thôn XaRy, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) lay nhẹ vợ là bà Hồ Thị Dên cùng thức dậy xuống bếp. Đêm 30 Tết Nguyên đán, gia đình ông Kiên không làm lễ cúng như người Kinh, nhưng rạng sáng lại nhen lửa, hí húi làm bánh Ayỡh. Chọn hơn chục lon lúa nếp vụ rồi mới gặt, ông Kiên cho vào cối giã. Bà Dên thì loay hoay với mớ mè đen, xong bà cho nếp vừa được giã sạch lên bếp để nấu thành xôi.
Người Vân Kiều nấu xôi rất ngon, bí quyết ở chỗ ngọn lửa không được cháy lớn, không được chập chờn mà vừa phải, nếp được bỏ vào liếp đan bằng tre để nấu kiểu cách thủy, chứ không phải cho vào nồi nấu trực tiếp với nước. Phải mất gần 2h đồng hồ, căn bếp mới dậy mùi thơm của xôi, tiếp đó mè đen cũng được rang chín. Trời vừa tờ mờ sáng, ông Kiên gọi con gái Hồ Thị Thiêng dậy, ngồi bên cạnh bà Dên để ghi nhớ cách làm bánh Ayỡh.
Chiếc cối gỗ được rửa sạch, lau khô cẩn thận, ông Kiên bỏ xôi vào cối, mè đen được rải lên từng lớp cùng ít muối. Tiếp đó, là tiếng cối giã vang lên, ông Kiên giã trước, bà Dên giã sau, một hồi thì Thiêng vào giúp mẹ. 16 tuổi, đang đi học nhưng Thiêng thành thạo với việc giã gạo, lên nương, tiếng chày của Thiêng nện xuống cối nhịp nhàng khiến ông Kiên cười. Vừa làm, ông Kiên và bà Dên vừa hướng dẫn cho con gái các bước làm bánh Ayỡh, từ việc chọn nguyên liệu đến các bước tiến hành.
Giã một hồi, xôi và hạt mè đen kết lại thành một mảng, muối cũng được cho vào cối sao cho vừa ăn, không mặn không nhạt mà chỉ bùi bùi là lúc bánh Ayỡh hoàn thành. Ông Kiên lấy một lá chuối lớn trải lên chiếc mâm, đặt chiếc bánh vừa hoàn thành lên mâm cũng là lúc già làng Hồ Văn Phúc đến. Soạn ra mâm con gà luộc cùng miếng bánh Ayỡh lớn, già làng Hồ Văn Phúc thay mặt gia đình làm phong tục cúng tổ tiên.
Tả phong tục xong, bánh Ayỡh cắt thành miếng nhỏ, phần còn lại có thể gói bằng lá chuối rồi để lên giàn bếp cất ăn dần. Dù không có bất kỳ chất bảo quản gì, nhưng loại bánh này có thể cất giữ được vài tháng, đến khi ăn chỉ cần nướng lại trên than lửa, là Ayỡh lại dậy mùi thơm, béo, bùi.
Già làng Hồ Văn Phúc cho biết, bánh Ayỡh trước kia người Vân Kiều chỉ làm ăn trong Tết mừng lúa mới, năm nay mùa màng tươi tốt, được mùa nên gia đình nào cũng làm Ayỡh để đón Tết cổ truyền. No ấm, đủ đầy thì là Tết, vì vậy bánh Ayỡh góp mặt để mừng Tết Đinh Dậu này. “Cầu mong cho những năm tới, bếp lửa của người đồng bào đầu năm đều đỏ lửa, cối giã đều đặn để những chiếc bánh Ayỡh ra lò, điều này báo hiệu một năm đủ đầy” – già làng Hồ Văn Phúc, nói. Cứ thế, già làng Hồ Văn Phúc đi hết nhà này đến nhà khác ở thôn XaRy để hướng dẫn bà con cách cúng phong tục. Năm nay, tiếng cối giã gạo không chỉ vang lên ở góc nhà ông Kiên, mà ở thôn XaRy hầu như nhà nào cũng làm bánh Ayỡh để mừng năm mới.
Theo Lâm Hưng Thơ (Báo Lao Động)
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.