RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Páo Tỉnh Làng, đất lạ rồi sẽ quen

Advertisement

(NĐT) – Phong cảnh nơi ấy có thửa ruộng thang, có cao nguyên đá, đặc sản có giống chè cổ thụ trăm năm – hội tụ đủ linh khí đắng chát của đất trời, đấy là Páo Tỉnh Làng, điểm đến chưa từng nghe qua trong những chuyến lang bạt cung đường Đông – Tây Bắc.

Nói về ruộng thang, Đông – Tây Bắc nhiều vô đối, từ Mù Căng Chải, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn, Sapa, Y Tý (Lào Cai), cho đến Thông Nguyên, Nậm Ty, Bản Phùng (Hà Giang)… đều mòn chân lữ khách – Páo Tỉnh Làng cũng có ruộng thang. Lại tả thêm về cao nguyên đá, những ngoạn mục, cheo leo, hiểm trở của đá núi nơi Mèo Vạc, Đồng Văn của Hà Giang đã khiến bao khách xuôi ngơ ngẩn – Páo Tỉnh Làng cũng có cao nguyên đá. Xứ xở xa xôi Páo Tỉnh Làng còn có thêm chợ phiên ở trung tâm xã Tả Sìn Thàng, họp mỗi thứ Năm; rồi bao đặc sản, từ món thịt heo muối mặn mòi, qua rượu Mông Pê uống mềm môi túy lúy, để rồi giải rượu bằng chén chè tình nghĩa, đắng chát vị đặc sản, nhưng khác lạ không đâu bằng…

Cung đường tình yêu

Tôi gọi đường đến Páo Tỉnh Làng là cung đường tình yêu, bởi đầu tiên, phải yêu lắm mới đủ dũng khí mò đến chốn “hóc bà tó” mà đại ca Google còn phải ngơ ngác. Thứ đến, yêu là bởi tính từ thành phố Điện Biên, nhắm hướng huyện Tủa Chùa – cái đất giáp Lai Châu với ranh giới dòng sông Đà bao quanh – Páo Tỉnh Làng chỉ là một bản nhỏ trong xã Tả Sìn Thàng thuộc Tủa Chùa, cách Điện Biên cỡ 8 giờ xe máy.

Hành trình kể cũng vất vả bởi đối mặt với không chỉ sự xa xôi, mà còn hiểm trở, khi càng vào gần đến Tả Sìn Thàng, đường núi thêm hoang vu. Cảnh đẹp thiên nhiên với chập chùng đá tai mèo, mang lại cho tôi cảm giác ngỡ đang đi trên cao nguyên đá Đồng Văn. Người bản địa chủ yếu đi bộ, trở về từ nương rẫy với chiếc gùi trên lưng, sự hoang vắng ấy càng khiến hành trình thêm phần kỳ thú, cả lãng mạn khi bất chợt gặp đụn mây mù chụp xuống, che khuất tứ bề, kéo theo cái se lạnh miền sương núi gặm nhấm da thịt.

Lên Páo Tỉnh Làng đúng ngày chợ phiên thứ Năm hàng tuần ở Tả Sìn Thàng, một phiên chợ kỳ lạ, màu chủ đạo là đen, kế đến là tím, theo trang phục của nhánh H’mông đen. Ngoài bao thứ đặc sản từ mèn mén, lợn cắp nách, gà chân đen, thịt heo muối… tôi khoái hơn cả là góc bán rượu của các bà, các chị người H’mông đen.

Từng can rượu Mông Pê 20 lít chễm chệ trước từng người; nối nhau đếm sơ buổi chợ phiên hôm ấy cũng hơn 20 người bán, tính ra hơn 400 lít rượu. Ở xứ này, đàn bà nấu rượu, bán rượu, đàn ông thử rượu, uống rượu và… say rượu.

Chát đắng chè cổ thụ

Tôi tìm đến Páo Tỉnh Làng, ngoài chuyện thử trải nghiệm cung đường mới, còn thêm nguyên cớ gắn với chè cháo, ấy bởi hồi giữa năm nhờ cái duyên, gặp được ông Việt kiều cạ cứng của ngành nông nghiệp Úc – TS. Nguyễn Quốc Vọng, nhân chuyến ông kết hợp cùng Hiệp hội Chè Việt Nam tiến hành nghiên cứu các hoạt chất trong chè cổ thụ khắp các vùng miền Đông – Tây Bắc.

Kết quả nghiên cứu khi ấy chưa được công bố, nhưng vị tiến sĩ tiết lộ bí mật bằng câu hỏi: “Ông biết chè ở đâu chát nhất Việt Nam không?”. Không để tôi suy nghĩ lâu, TS. Vọng giải mã: “Chè cổ thụ Điện Biên là chát nhất, nếu so chè công nghiệp, trồng luống thấp ở các vùng trung du, đồng bằng của Việt Nam, hoạt chất tanin (chất chát) của chè cổ thụ Điện Biên cao gấp 20 – 30 lần!”.

Nghĩ lại những chén chè nước xanh biếc xuất xứ Thái Nguyên, nếu uống lúc bụng rỗng thì có nước xỉu. Chè cổ thụ Điện Biên có vị chát gấp hơn thế 20 lần… hẳn là lạ. Chắc chắn thổ nhưỡng, khí hậu nơi ấy cũng thật lạ, mới tạo ra vị chè mang hoạt chất quái chiêu đến thế.

Tủa Chùa là huyện sở hữu chè cổ thụ nhiều nhất Điện Biên, từ thông tin hoạt chất của TS. Vọng, cộng thêm chuyện người làm chè lâu năm trên Tủa Chùa bắn tin hai năm gần đây, lái Trung Quốc mò sang tận nơi, thu mua giá chè tươi vụ xuân từ 75 – 100 ngàn đồng/kg, trong khi thông thường chỉ 25 – 30 ngàn/kg. Đây là con số “khủng” nhất bởi các vùng chè khác từ Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai… giá chè cổ thụ tươi đắt lắm chỉ phân nửa. Việc thương lái thu mua giá cao, là dấu chỉ cho thấy họ đánh hơi điều đặc biệt ẩn trong chất chè vùng Tủa Chùa.

Miền chè trên khe núi

Lọ mọ đến được Páo Tỉnh Làng, bỏ phương tiện xe máy, nhờ người bạn ở Điện Biên giới thiệu đến anh trưởng thôn Giàng A Dè để làm chuyến lên núi khám phá miền chè cổ thụ.

Giới làm chè Điện Biên cho biết ở Páo Tỉnh Làng, chè cổ thụ thường tụ thành bãi dọc khe núi, thân cây to trung bình hai người ôm. Điều độc đáo hơn là vị chè chát, đắng rồi mới đến ngọt.

Rời nhà, tôi theo Giàng A Dè ngược dốc núi, theo hướng tay chỉ, từng vạt xanh chen trong nương ngô, ruộng bậc thang, ấy chính là chè. Giàng A Dè bảo: “Cả bản có khoảng 560 gốc, nhỏ cỡ bắp đùi, to thì hai người ôm không hết. Ngày xưa dân bản chỉ hái chè uống hoặc đem ra chợ đổi gạo, ngô, rượu, mấy năm nay có người đến mua, chè kiếm ra tiền đấy”.

Vạt chè nhìn từ xa, tưởng chỉ là những cây bình thường, nhưng khi đến gần, thân chè to, cổ kính với rêu phong phủ kín, cao hơn 10m. A Dè nói thêm: “Các cụ ngày xưa ở đây, hái chè thường một tôm ba bốn lá, bây giờ chúng tôi hái một tôm hai lá non, đem về sao chảo, vò tay, phơi một nắng xong đem cất. Mỗi cây chỉ được 20 – 30kg chè khô một năm thôi”.

Sau những quần thảo quanh vùng chè cổ thụ Páo Tỉnh Làng, trở về lại bản, Giàng A Dè với tay nắm chè phơi trên gác bếp pha thiết khách. Nước chè vàng sóng sánh, kỳ lạ là vị đắng kéo dài, nhưng không khó uống mà rất dễ chịu, cứ như đang uống một chén thuốc bắc hơn là một chén chè quen thuộc. A Dè bảo: “Do giống chè ở đây nó thế chú ạ”.

Lưu lại Páo Tỉnh Làng, tận hưởng miền hoang sơ, thanh vắng với mây vờn đá núi, quyện vào những nóc mái đơn sơ của cư dân bản địa, nơi mỗi khi ra vào lại được mời chén chè đặc sản. Chỉ đôi ngày lưu lại Páo Tỉnh Làng, thưởng thức đủ thứ đặc sản bản địa, nhưng riêng vị chát đắng kì diệu, khác lạ từ những chén chè, cứ lưu luyến, níu kéo. Chuyến về xuôi, hành trang ngoài những kỷ niệm đẹp về vùng đất mới, còn có thêm một túm chè phơi đặc sản mang thương hiệu Páo Tỉnh Làng – một miền đất lạ, nhưng rồi sẽ quen.

Theo Thiên An (Người Đô Thị)

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468