(BQN) – Quảng Ngãi không chỉ được biết đến với hình ảnh về những vùng biển đẹp, trong xanh, thanh bình mà còn là nơi có sự kết hợp hài hòa giữa núi và biển, tạo ra một hệ sinh thái đa dạng với những sản vật vùng miền phong phú, cùng rất nhiều đặc sản “gây mê” du khách.
Ngọt ngon don Thu Xà
Hãy một lần đến với khu phố cổ Thu Xà, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), ngoài lý do là để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của không gian văn hóa cổ xưa, để thăm Vườn thơ của cố nhà thơ Bích Khê, để viếng chùa Ông hay Khu du lịch Bãi Dừa… thì đến với nơi đây còn là để thưởng thức món don Thu Xà trứ danh. Don sau khi được những người lao động nghèo ngâm mình hàng giờ liền dưới lòng sông Vực Hồng nhủi về được rửa sạch rồi đem đi luộc. Những con don khi chín há miệng, lộ phần bụng màu vàng lợt và chiếc tua dài. Người bán bẻ miếng bánh tráng sống cho vào tô, kèm thêm chút hành ngò, rồi múc vá nước dùng cùng phần thịt don vào.
Tô don sau khi được chuyển đến tay thực khách, chỉ cần dằm thêm trái ớt xiêm, thong thả bẻ miếng bánh tránh chín vào là đã có thể thưởng thức vị ngọt thanh của nước don hòa cùng vị cay nồng của ớt. Mặc dù món don có thể dễ dàng tìm thấy ở bất kỳ đâu trên đất Quảng Ngãi này, nhưng don Thu Xà nức tiếng gần xa là bởi người bán ở đây luôn hào phóng phục vụ thực khách những tô don đậm vị, thịt don đầy ắp, khiến người ăn luôn cảm thấy “thỏa mãn” cơn thèm.
Thơm nồng mắm nhum
Đầu xuân, trong tiết trời ấm áp, hãy du ngoạn đến vùng biển Sa Huỳnh, nơi có cát vàng, biển xanh thơ mộng. Thưởng thức các món đặc sản biển tươi ngon đương nhiên là điều không thể bỏ qua khi đến đây. Tuy nhiên, trong vô vàn những món ăn hấp dẫn, thì nhiều người vẫn thường nhắc đến mắm nhum như là thứ tinh túy nhất trong văn hóa ẩm thực của người Sa Huỳnh.
Nhum sau khi được ngư dân bắt về từ gành đá ven bờ biển nước ấm, lẫn trong đám rong rêu, sẽ được đem về khoét ra để lấy thịt. Thịt nhum như những múi sầu riêng vàng sánh, béo ngậy bám dọc theo vỏ thành từng sọc dài. Để làm mắm, người ta cho thịt nhum vào chum, sau đó rắc muối hột lên và ủ ngoài nắng khoảng nửa tháng. Mắm nhum khi chín sẽ có màu cam đục, sền sệt, thơm nức.
Pha chế mắm nhum cũng thật đơn giản khi chỉ cần vài trái ớt cắt lát, vài tép tỏi Lý Sơn, chút đường, miếng chanh là đã có ngay chén mắm nhum dậy mùi, hấp dẫn. Bỏ bún, rau sống, thịt heo luộc vào tô, cho vài muỗng mắm nhum vào trộn đều. Gắp một đũa hỗn hợp đã quyện sệt vị mắm cho vào miệng. Vị mặn, ngọt, chua, cay, béo béo, thơm nồng rất riêng biệt thật kích thích vị giác người thưởng thức. Để rồi chỉ sau miếng đầu tiên, lại có ai đó vội gọi chủ quán ra để hỏi mua vài chai mắm nhum mang về.
Cá niên nướng
Ngược lối về miền sơn cước, bạn sẽ nghe người dân bản địa nhắc đến món cá niên nhiều đến mức có cảm giác nếu không thưởng thức nó, thì ắt hẳn đó sẽ là điều phải hối tiếc. Nhất là nếu đã có cơ hội ngồi bên chiếc bếp lửa trong căn nhà sàn giữa bản làng vùng cao, hay bên đống than nhóm vội nơi bờ suối thì hãy tự tay nướng lấy vài con cá niên để thưởng thức trọn vẹn hương vị quyến rũ của cá niên. Từng thớ thịt cá nướng chín đều trên than hồng dậy mùi kích thích khứu giác. Gắp miếng cá vừa chín tới quệt nhẹ vào chén muối ớt xiêm. Vị ngọt, đăng đắng từ thịt cá cùng vị mặn, cay của muối ớt hòa vào làm một, khiến cho những thực khách khó tính nhất cũng phải gật gù.
Ngoài món nướng, cá niên còn được chế biến thành món canh rau răm khá lạ miệng. Cho cá niên vào nồi nước đang sôi bùng, khi cá vừa chín tới là tắt bếp, bỏ rau răm với ớt vào, nêm nếm gia vị vừa ăn. Khi miếng cá tan dần trong miệng, uống chén canh nóng để cảm nhận vị ngọt lan tỏa.
Đường phổi cho ta với mình
“Bậu về nhớ ghé Ba La/Mua cân đường phổi cho ta với mình”. Tháng Chạp đến, mùa làm đường phổi, đường phèn lại về, quanh quẩn trong ngõ nhỏ nơi làng nghề Ba La, Vạn Tượng, mùi mật quyện vào gió xuân bay xa. Đường phèn cũng giống như đường phổi, đều được tạo ra từ đường kết tinh cùng các nguyên liệu như vôi ốc, dầu phụng, trứng gà, tuy nhiên lại khác nhau về cách thức chế biến. Nếu như đường phèn được nghệ nhân áp dụng kỹ thuật nấu kết tủa thành những khối tinh thể màu trắng tựa viên thạch anh lấp lánh, thì đường phổi được nấu đông đặc thành những khối đường màu vàng mật đậm đà hương thơm.
Vì đường phèn sở hữu vị ngọt thanh, thơm ngon nên gánh chè hạt sen của bà luôn đắt hàng, ly chè nha đam mát lạnh của mẹ khiến lũ trẻ phải tranh phần. Riêng với đường phổi thì được nội dùng để thưởng thức với trà. Trong câu chuyện đầu năm cùng đôi ba người bạn, nội bày vài viên đường phổi ra dĩa, chế ấm trà nóng ngồi nhâm nhi, thi thoảng ngậm viên đường, để cái vị ngọt thanh tan chảy trong miệng, húp một ngụm trà chát chát hòa với vị ngọt ngọt, thơm thơm của những hạt đường thật thú vị.
Những món ăn của người Quảng Ngãi quê tôi mặc dù không quá sang trọng hay cầu kỳ nhưng lại mang hương vị và màu sắc vô cùng hấp dẫn, riêng biệt. Còn có thể kể đến kẹo gương – top 10 đặc sản kẹo mứt thiên nhiên nổi tiếng Việt Nam; cá bống sông Trà – top 50 đặc sản nổi tiếng Việt Nam… Hãy đi và trải nghiệm bạn nhé!
Bổ dưỡng gỏi tỏi
Có lẽ gỏi tỏi là món đặc sản bình dân nhất trên vương quốc tỏi Lý Sơn. Tuy nhiên, dù là món ăn dân dã nhưng vị của món gỏi tỏi lại chẳng hề kém cạnh so với bất kỳ món ăn nào. Ra đảo Lý Sơn trúng mùa thu hoạch tỏi quả thực là một điều may mắn khi bạn được tận mắt xem cách người dân đất đảo nhổ những cây tỏi đực còn sót lại trên ruộng cát đem về chế biến món gỏi tỏi bổ dưỡng.
Thân cây tỏi đực sau khi được chẻ ra thành từng đoạn nhỏ được đem ngâm trong nước cho sạch mủ, rồi luộc sơ qua. Sau đó đem phần tỏi vừa luộc trộn với đậu phộng, rau thơm, nêm thêm chút bột ngọt, đường. Bên bờ biển màu ngọc bích, dưới những tán dừa xanh ngắt, nhấm nháp miếng bánh tráng kèm gỏi tỏi, chấm nước mắm thật cay, còn gì thích bằng.
Theo Thu Hiền (Quảng Ngãi online)
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.