(NDO) – Mỗi lần về Cần Đước (Long An), chúng tôi đều cảm nhận nét riêng của vùng đất này bởi vẻ đẹp mang chút hoài cổ toát lên từ những ngôi chùa, mái nhà xưa. Và nếu dành chút thời gian lắng nghe nhịp sống nơi đây, ta sẽ nhận ra thêm vẻ đẹp bình dị từ những câu chuyện mưu sinh của người dân miền hạ.
Đoàn chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Long An đi thực tế đến vùng đất Cần Đước trong một ngày đầu tháng tám. Vừa có một cơn mưa vào tối qua nên buổi sáng mùa hè trở nên dễ chịu. Điểm đến đầu tiên của mọi người sẽ là cơ sở làm hủ tiếu duy nhất ở xã Mỹ Lệ. Đường nhỏ, nên chúng tôi tản bộ vào nhà ông Tư Đốm- chủ lò hủ tiếu. Con đường uốn lượn qua những cánh đồng lúa xanh mướt. Chỉ có tiếng gió và tiếng người lao xao. Sau hơn 5 phút đi bộ, chúng tôi đã đến nơi cần đến.
Đón chúng tôi bằng nụ cười hồn hậu, ông Tư Đốm (Nguyễn Văn Đốm) như… trách yêu vì đoàn đến muộn. Ông cho biết, gia đình bắt đầu làm hủ tiếu từ 6 giờ sáng và đến 8 giờ là mọi việc phải xong để tránh ông mặt trời lên cao.
Mùi bột còn vương thoảng thoảng quanh nhà. Mọi người lần lượt xuống nhà sau để xem công việc làm ra những sợi hủ tiếu như thế nào. Tiếng máy chạy lịch xịch. Tiếng người ồ lên thích thú. Tiếng máy ảnh lách cách, liên hoàn. Một dải bánh liền mạch chạy ra, rồi bà Nguyễn Thị Bé (vợ ông Tư Đốm) cắt thành từng miếng nhỏ và bắt đầu cho vào máy cắt. Từ trong chiếc máy cũ, những sợi hủ tiếu màu trắng ngà tuôn ra như những dòng suối nhỏ. Bà Bé lấy tay mình nâng niu những dòng suối ấy và cho vào túi đựng. Nếu ai muốn ăn bánh tươi thì đến công đoạn này đã dùng được. Nhìn mọi người chăm chú dõi theo những sợi hủ tiếu, bà Bé lại hăng say nói về nghề truyền thống của gia đình mình: “Chúng tôi làm nghề này hơn 30 năm rồi. Trước đây, xứ Mỹ Lệ cũng có nhiều người làm hủ tiếu nhưng bây giờ chỉ còn mỗi gia đình này gắn bó với nghề”.
Dulichgo
Mỗi ngày, hủ tiếu lò Tư Đốm có mặt ở khắp chợ Cần Đước. Hai ông bà nay cũng hơn 60 tuổi, sức khỏe đã giảm dần. May mắn, người con trai lớn vẫn ở cạnh ông bà để giữ lại cái nghề của gia đình. Anh Nguyễn Thế Thuận, 31 tuổi, con trai lớn ông Tư Đốm cho biết, chuyện giao hủ tiếu cho mối là do anh đảm đương hết. Hỏi anh còn trẻ mà chỉ quẩn quanh trong cái xã nhỏ bé thì có mặc cảm với bạn bè không, anh Thuận cười: “Không có đâu. Ngược lại, tôi còn thấy may mắn nữa”.
Đến lúc chúng tôi tạm biệt ông Tư Đốm và gia đình. Tôi tranh thủ xin số di động anh Thuận để liên lạc thì chỉ thấy anh lắc đầu: “Tôi không có số di động. Nhà chỉ xài điện thoại bàn thôi. Làm việc ở nhà mà, đâu cần gì số di động”. Một phát hiện thú vị nữa từ gia đình ông chủ lò hủ tiếu chân chất này.
Đoàn lại hướng về xã Tân Chánh, huyện Cần Đước (Long An). Nơi đây từng là xã khó khăn nhất nhì của huyện, nhưng nhờ chính quyền chuyển đổi kinh tế hợp lý, người dân Tân Chánh đã phất lên bằng việc nuôi tôm. Dù vậy, vùng Tân Chánh xưa nay vẫn nổi tiếng với nghề đóng ghe “mũi đỏ xanh lườn”. Sau này, vì điều kiện thực tế, nhiều hộ chuyển sang đóng xà lan để có thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, vẫn có những người một mực giữ lấy nghề đóng ghe gỗ, dẫu biết sẽ thiệt thòi về kinh tế. Cô Trương Thị Thanh, 58 tuổi, chủ cơ sở đóng ghe Tấn Phát là một trong những người như thế. Xưởng đóng ghe Tấn Phát nằm cạnh con sông Vàm Cỏ mênh mông. Hôm đoàn chúng tôi đến, xưởng có nhiều hợp đồng đóng ghe cho khách nên công nhân ai nấy cũng đều bận rộn.
Dulichgo
Bà Thanh kể, xưởng đóng ghe tàu Tấn Phát chỉ mở gần 20 năm, nhưng gia đình đã gắn bó với nghề gỗ từ nhiều năm trước đó. Bà cùng chồng đi buôn gỗ khắp nơi cho đến ngày quyết định về Tân Chánh mở xưởng đóng ghe gỗ. Vừa mở xưởng, chẳng bao lâu chồng bà bệnh nặng qua đời, một mình bà Thanh căng sức quản lý cái xưởng rộng lớn. Bà cho biết, không có người con nào theo nghề truyền thống của gia đình, nhưng may mắn bên cạnh bà luôn có những người thợ lành nghề, thân thiết nên công việc về sau đã đi vào nền nếp.
Trong khi nhiều xưởng tàu đã chuyển sang đóng xà lan, xưởng Tấn Phát của bà Thanh vẫn chung thủy với những chiếc ghe, chiếc tàu đã đi vào thơ ca từ bao đời nay. Bà nói, do thiếu công nhân nên không chuyển đóng tàu sắt, cũng vì chúng tôi biết giữ nghề truyền thống cũng là cách để bà nuôi những kỷ niệm tươi đẹp của mình với người bạn đời đã khuất. Chúng tôi đến gần những chiếc tàu, chiếc ghe đang đóng dở. Mùi gỗ, mùi sơn thoảng lên gợi về một miền ký ức dịu dàng. Nhờ những người vẫn giữ nghề đóng tàu gỗ như bà Thanh mà ở khắp miền sông nước Nam bộ ta vẫn còn thấy các chuyến ghe hàng ngược xuôi mang theo những phận đời.
Dulichgo
Chúng tôi tiếp tục khám phá Cần Đước với đặc sản của vùng Long Hựu. Vùng đất bao đời nay vẫn còn khó khăn vì thiếu nước ngọt ấy lại khiến người ta phải lưu luyến vì vị ngọt của những chiếc bánh in. Anh Nguyễn Tấn Quốc, một người am hiểu nhiều về vùng đất Long Hựu, Cần Đước chia sẻ, ngay cái tên, người xưa đã gửi đó mong ước những đứa con từ vùng đất này ra đi một ngày nào đó sẽ quay về, hội tụ. Và hương vị những chiếc bánh in dân dã ấy đã níu tình cảm những người con phương xa trở về với quê nghèo.
Một ngày nhanh chóng trôi qua. Chẳng mấy chốc trời đã ngả về chiều. Tôi và người bạn tiếp tục một cuộc hành trình khác: du ngoạn trên sông nước Vàm Cỏ. Nhớ cách đây không lâu, tôi đã từng một lần lênh đênh theo con nước lớn ròng trên sông này. Người lái cứ để chiếc ghe trôi nhẩn nha trên dòng sông đậm phù sa để mọi người khám phá cuộc sống hai bên bờ, và để lòng người được nhẹ nhõm khi mở ra với thiên nhiên. Chúng tôi cứ thế xuôi theo dòng nước, lâu lâu lại ghé vào trong những con rạch nhỏ, co mình dưới những gốc bần rộng lớn đang rủ đầy những trái xanh. Dưới bóng mát chúng tôi ngồi nhâm nhi vài ly rượu đế, cùng hát ca bềnh bồng mà cảm thấy mọi buồn phiền như tan biến.
Trời tối hẳn. Chiếc ghe nhỏ bắt đầu rời bến. Càng ra giữa dòng, cái lạnh càng bám lấy chúng tôi. Chiếc ghe vẫn lừ đừ chạy. Chúng tôi lừ lừ say. Khi rời bến khá xa, tôi mới để ý đến người chở mình. Anh chủ ghe tên Nguyễn Văn Thoài, có gương mặt khắc khổ. Cuộc sống của anh gắn với nghề sông nước này đã hơn 20 mươi năm. Mỗi ngày, anh đưa khách ra những chiếc xà lan, tàu lớn để đi về miền tây hay lên thành phố. Có khi khách yêu cầu, anh cũng chở họ đi đến những tỉnh miền Đông. Một đời gắn với nghề đi ghe, nắng gió, bụi đời đã hằn lên từng nếp nhăn, đã ám vào làn da đen sạm của anh Thoài khiến trông anh già hơn với tuổi thật của mình.
Chiếc ghe vẫn trôi chậm chạp. Những chiếc xà lan to lớn vẫn xuôi ngược trên dòng Vàm Cỏ. Ánh đèn từ cầu Mỹ Lợi nối hai tỉnh Long An và Tiền Giang tỏa xuống dòng sông khiến cho cảnh về đêm trên dòng Vàm Cỏ thêm lung linh huyền ảo. Không còn những chuyến phà chở bao phận người đi qua dòng sông này. Nhưng với anh Thoài, chuyện mưu sinh vẫn thế, không gì thay đổi. Chúng tôi ghé vào đám lá dừa nước.
Dulichgo
Đêm yên bình đến lạ. Chỉ có tiếng sóng đang vỗ nhẹ vào thân ghe và tiếng con chim đêm đâu đó vọng lên, xa vắng. Cầu Mỹ Lợi như sợi chỉ vắt qua dòng sông rộng lớn, mở ra nhiều hướng phát triển cho vùng đất miền hạ. Nhiều lần, ông Nguyễn Việt Cường- Bí thư huyện Cần Đước (Long An) vẫn nói về tương lai phát triển du lịch ở vùng đất văn hóa này với những tour tham quan di tích, và những trải nghiệm về nghề truyền thống độc đáo của Cần Đước. Nhưng dù có tiềm năng và mơ ước, thực tế về phát triển du lịch vẫn là khoảng cách còn khá xa với Cần Đước nói riêng và Long An nói chung.
Chúng tôi trở vào bờ vào lúc nửa đêm. Trời im gió mà trong tôi vẫn gợn lên điều gì như một niềm nuối tiếc chưa nguôi.
Theo Võ Mạnh Hảo (Báo Nhân Dân), ảnh internet
Người Miền Trung !
Những kiến trúc cổ xinh đẹp ở Cần Đước
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.