(BCB) – Cứ vào dịp Rằm tháng Bảy hằng năm, dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng lại rộn ràng đón Tết. Tết Rằm tháng Bảy là dịp báo hiếu đối với tổ tiên, tạ ơn đấng sinh thành, đồng thời thể hiện nét văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc riêng của người Tày, Nùng Cao Bằng.
Đối với dân tộc Tày, Nùng mỗi ngày lễ, tết đều mang ý nghĩa và chủ đề khác nhau, như: Tháng Tư âm lịch chuẩn bị cho gieo mạ và được gọi theo tiếng địa phương là “Bươn slí pẻng chả” (tháng Tư bánh mạ) có nghĩa là liên quan đến gieo mạ đúng thời vụ; tháng Năm được gọi là “Bươn hả pẻng nà” (tháng Năm bánh ruộng) có nghĩa là liên quan đến đồng ruộng, thực hiện vụ gieo cấy lúa mùa trong năm; tháng Sáu được gọi là Tết “Khoăn vài” (hồn trâu) để người tạ ơn trâu, bò đã giúp sản xuất vụ mùa…
Đối với Tết Rằm tháng Bảy mang ý nghĩa đặc biệt hơn so với các ngày lễ khác, được tổ chức quy mô hơn, không khác gì Tết Nguyên đán. Rằm tháng Bảy được tổ chức rất đặc biệt, thể hiện bằng những vật lễ đa dạng, như: bún, thịt vịt, bánh gai, bánh chưng và các món ăn truyền thống khác để thờ cúng tổ tiên, đất trời theo nghi lễ truyền thống.
Dulichgo
Vì vậy công tác chuẩn bị cũng được người dân quan tâm và chuẩn bị từ trước. Từ việc nuôi vịt để phục vụ cho ngày Tết, gạo tẻ để làm bún, gạo nếp để làm bánh gai, bánh chưng và các loại bánh khác…
< Người dân mua vịt ăn Tết Rằm tháng Bẩy.
Theo truyền thống, có một số địa phương coi ngày chính Tết tháng Bảy là ngày 14 âm lịch, tức là trước rằm một ngày. Còn nhiều nơi, vẫn giữ đúng chính ngày rằm. Tuy thời gian khác nhau, nhưng quan niệm thờ cúng và các phong tục đều tương đồng với nhau.
Để chuẩn bị cho Tết Rằm tháng Bảy, mỗi thành viên trong gia đình đều được phân công làm một số món ăn với số lượng khá lớn, được chế biến cầu kỳ so với ngày thường. Trong ngày Tết, ẩm thực không thể thiếu là món bún. Nguyên liệu là gạo tẻ ngon được vo sạch và ngâm trong nước hơn một ngày, trước khi xát thành bột phải vo kỹ và rửa sạch. Bột đựng và trong bao vải để ráo nước, sau đó nặn thành bánh có đường kính khoảng 20 mm. Bánh được đục lỗ ở giữa để khi luộc bánh chín đều.
< Làm bánh gai Tết rằm tháng Bảy.
Sau khi luộc chín, bánh được giã và nhào cho dẻo rồi mang vào khuôn để ép thành sợi bún. Bún cho vào khuôn ép thẳng xuống nồi hoặc chảo nước sôi làm chín tại chỗ và sử dụng được ngay. Bún được chế biến theo cách truyền thống có hương vị đặc trưng riêng biệt, tạo sự hấp dẫn.
Dulichgo
Vịt là một trong các món ăn chính không thể thiếu được trong mâm cỗ cúng gia tiên của mỗi gia đình. Vịt được chuẩn bị từ 4 – 5 con, để vừa làm cỗ vừa cúng tổ tiên. Theo quan niệm dân gian, vịt sống hay sống ở nước và giúp đỡ cho các loài khác vượt sông, vượt biển để có một cuộc sống mới. Do đó, vào mùa mưa khi cúng tổ tiên, các gia đình thường cúng vịt.
Thịt vịt trong ngày Tết chủ yếu chế biến thành 2 món chính là luộc và rán, cách chế biến cũng không cầu kỳ, mà chỉ cần sử dụng những gia vị đơn giản. Sau khi vịt đã được làm sạch, gia vị tẩm ướp chủ yếu là lá mác mật, gừng, muối, hạt tiêu… vừa đủ, đem rán vàng. Khi lá mác mật được ướp sẽ tạo ra mùi thơm hòa quyện vào hương vị của thịt vịt tạo sự hấp dẫn và có vị đặc trưng riêng.
Trong ngày Tết Rằm tháng Bảy, bánh gai không thể thiếu trong mỗi gia đình, ngoài ra, một số gia đình còn làm thêm bánh chưng. Các loại bánh này không chỉ phục vụ ăn uống trong gia đình, mà còn mang ý nghĩa tâm linh để thờ cúng, thể hiện tấm lòng thành đối với tổ tiên, đất trời phù hộ cho gia đình sức khỏe, mùa màng tươi tốt…
Sau khi hoàn thành, mâm cỗ được bày lên bàn thờ ở vị trí trang trọng nhất, được thắp hương cả ngày; đến chiều tối mâm cỗ được di chuyển trước chuồng trâu, bò để mong gia súc lớn nhanh, giúp con người lao động sản xuất. Tiếp đó, mâm cỗ được để ở sàn nhà ngoài trời cầu mong thần linh phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, giúp cho cây trồng tươi tốt. Sau đó, mâm cỗ được di chuyển đến một số điểm, như bếp lửa… thể hiện sự quan tâm của các thành viên trong gia đình đối với tổ tiên, đất trời. Khi kết thúc, mâm cỗ được chuyển đến bàn thờ chính của gia đình, các món ăn được hâm nóng lại. Các loại vàng mã, giấy tiền được bày lên bàn thờ, sau đó hóa vàng mã cho tổ tiên và cầu mong các thành viên trong gia đình sức khỏe, gặp nhiều sự may mắn trong cuộc sống.
Dulichgo
Trong ngày Tết, các gia đình gác lại tất cả các công việc và sum họp gia đình. Đối với người Tày, Nùng còn có tục “Pây tái”, nghĩa là đi thăm gia đình bên ngoại. Khi đến bên ngoại, không thể thiếu đôi vịt, bánh gai, bánh chưng và các đồ lễ khác. Mỗi địa phương có hình thức thể hiện khác nhau, nhưng đều mang ý nghĩa con rể đến thăm gia đình bên ngoại để cảm ơn người đã dạy dỗ, sinh thành vợ mình; là sự động viên của con cái đối với cha mẹ…
Tết Rằm tháng Bảy được dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng coi trọng. Ai đi làm ăn xa đúng dịp này đều trở về quê hương để thăm người thân, gia đình. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống cần được gìn giữ và phát huy.
Theo Văn Hiếu (Báo Cao Bằng)
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.