(LĐO) – Hàng trăm tàu cá quay mũi hướng ra khơi trong nắng xuân hanh vàng. Cờ Tổ quốc gắn trên đỉnh cột cao tung bay trong gió giữa trưa 30 Tết. Ngư dân thành kính sửa soạn lễ vật đặt trước mũi tàu rồi lầm rầm khấn vái. Đấy là tục “Tết thuyền”, nét đẹp lưu truyền qua bao đời ở làng chài Hải Tân, xã Phổ Quang (Đức Phổ, Quảng Ngãi), nơi được mệnh danh là làng chài “hiệp sĩ”.
Rộn ràng đón Tết
Lăng thờ thần Nam Hải nằm cạnh bến cá Mỹ Á, là nơi linh thiêng đối với cư dân vạn chài. Lăng hướng ra cửa biển như vị thần dõi mắt trông theo để độ trì cho tàu cá xuất bến vươn khơi. Lão ngư Nguyễn Xết – Trưởng vạn chài Hải Tân cùng nhiều ngư dân tất bật quét dọn, trang trí chuẩn bị lễ cầu ngư vào sáng mùng 2 Tết.
Cây nêu trồng trước lăng bằng tre già, thân cao vút với cành lá trên ngọn phất phơ trước gió. Quốc kỳ và cờ đuôi nheo phần phật tung bay trong nắng xuân hanh vàng. Sớm tinh sương mùng 2 Tết, ông Xết cùng những bậc cao niên và người dân làng chài Hải Tân tề tựu đông đủ, thành kính dâng lễ vật lên ban thờ.
Dulichgo
Hương trầm thơm ngát thoảng bay theo gió xuân se lạnh. Ông Xết lầm rầm khấn nguyện cầu mong sóng yên, biển lặng, ngư dân đánh bắt được nhiều cá tôm, lẫn tiếng chuông ngân nga trong sương sớm. Tàu cá của ngư dân neo đậu dưới bến dập dềnh trên sóng nước như chiến mã nhịp chân trước giờ xung trận. 8 giờ sáng, tiếng trống phát hiệu lệnh thúc giục rộn rã. Hàng chục tàu cá tiếp nối xuất bến vươn khơi. Sóng vỗ vào thân tàu tung bọt nước trắng xóa. “Hằng năm, vạn chài tổ chức nhiều lễ cúng nhưng riêng vào sáng mùng 2 Tết thiêng liêng lắm. Vì đây là ngày lễ xuất hành, cầu mong trời yên biển lặng, làm ăn thuận lợi trong cả năm…” – ông Xết tâm sự.
“Tết thuyền” ở Mỹ Á
Sáng 30 Tết, ngư dân Nguyễn Dương cùng vợ sửa soạn mâm cỗ để cúng thuyền (tàu cá) đang neo đậu tại bến cá Mỹ Á, xã Phổ Quang. Sau đó, anh và con trai bê lễ vật: Gà luộc, bánh tét, bánh tráng, trái cây, rượu cùng đĩa gạo, muối, chén đũa, trầu cau, nhang đèn, vàng mã và chậu hoa vạn thọ bày ra mũi thuyền. Anh cùng người cháu trịnh trọng treo hai lá cờ Tổ quốc lên trụ gỗ trước mũi và trên mui tàu. “Thuyền là người bạn đã cùng mình vươn khơi đánh bắt cả năm trên biển. Cờ Tổ quốc tung bay trong gió như thêm ý chí cho mình vững tâm ra khơi” – anh tâm sự.
“Dù có bận rộn đến đâu chăng nữa nhưng ngư dân ở đây luôn thành tâm sắm sửa lễ vật để “Tết thuyền”. Vì thuyền không chỉ là phương tiện mưu sinh mà còn là người bạn của ngư dân chúng tôi. “Tết thuyền” được chúng tôi xem như hành động đáp nghĩa đối với người bạn đã cùng chúng tôi vượt qua sóng gió để đánh bắt cá, tôm” – ngư dân trẻ Nguyễn Thành Đôn, chủ tàu cá QNg – 94259 TS, bộc bạch.
Dulichgo
Theo nhiều lão ngư ở địa phương thì phong tục “Tết thuyền” được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Thời gian lễ cúng vào sáng 30 Tết đến lúc giao thừa. “Vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 âm lịch hằng năm, ngư dân đưa tàu về bến để vá lưới và sửa chữa tàu. Sau đó, họ tổ chức lễ cúng và chiêu đãi bà con họ hàng cùng bạn chài. Và, đến ngày 30 Tết thì họ tổ chức lễ cúng hết sức trang trọng như để tạ ơn chiếc tàu cùng họ mưu sinh trên sóng nước” – ông Võ Xuân Cẩm – Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phổ Quang nói.
Làng chài “hiệp sĩ”
Gọi là làng chài “hiệp sĩ” bởi rất nhiều ngư dân, tàu thuyền lâm nạn đã được người dân làng chài này cứu giúp.
Lão ngư Nguyễn Xết nhiều lần tham gia cứu hộ tàu cá bị nạn. “Trước giờ, cứu nạn tàu cá là chuyện thường ở đây rồi. Nghe tin tàu cá bị nạn là chúng tôi thông báo cho nhau tập trung ứng cứu. Ở gần bờ thì có cả đàn bà tham gia, xa bờ thì ngư dân đang đánh bắt hay ở bến cũng đưa tàu ra giúp…” – ông nói.
Ngư dân trong làng tự nguyện đóng góp kinh phí vào quỹ “hỗ trợ ngư dân” giúp đỡ cho những chủ tàu bị nạn. Với chủ tàu khó khăn, không thể sửa chữa, họ chung tay giúp đỡ hàng chục triệu đồng để tiếp tục ra khơi. Anh Nguyễn Vũ xúc động khi nhận 35 triệu đồng từ sự giúp đỡ của ngư dân vạn chài: “Bà con làm ra đồng tiền cực khổ và nguy hiểm lắm nhưng họ sẵn lòng giúp đỡ như thế khiến tôi cảm động lắm. Nhờ có khoản tiền ấy cùng những lời động viên nên tôi vội sửa chữa tàu để tiếp tục bám biển”.
Dulichgo
Mỗi ngư dân ở làng chài Hải Tân đều là “cổ đông” trên con tàu cùng họ lênh đênh trên sóng nước. Ngư dân khá giả đầu tư đóng mới tàu rồi vận động bạn chài góp vốn mua lưới cùng nhau mưu sinh. Nhiều chủ tàu cho bạn chài mượn vốn hùn mua lưới lên đến hàng chục triệu đồng. Mỗi chuyến về bờ, sau khi trừ chi phí, họ dành 30% tiền lãi khấu hao và sửa chữa tàu, phần còn lại chia đều cho chủ tàu và thuyền viên. Do “lời cùng ăn, lỗ cùng chịu” nên chủ tàu và bạn chài luôn gắng sức đánh bắt những chuyến biển tôm, cá đầy khoang. “Vì góp chung vốn nên những bạn chài gắn bó với tôi chứ không bỏ qua đi bạn cho tàu khác. Anh em luôn sẻ chia công việc nặng nhọc, nương tựa lẫn nhau trong những lúc đau ốm trên biển” – ngư dân Nguyễn Mai tâm sự.
Khi gặp đàn cá lớn, họ liền thông báo cho ngư dân cùng làng qua máy thông tin liên lạc. Những chiếc tàu cùng buông lưới quây tròn đàn cá đang hoảng loạn, tìm cách thoát ra ngoài. Tàu vội quay vào bờ sau khi thu mẻ lưới với tôm, cá nặng đầy khoang. “Chúng tôi đánh bắt theo tổ, đội trên biển và thường liên lạc với nhau để sẵn sàng ứng cứu khi gặp nạn. Gặp đàn cá lớn liền thông báo cho nhau đến đánh bắt chung chứ không giấu giếm gì cả. Bao đời giờ vẫn vậy. Nếu gặp đàn cá lớn mà im lặng để bắt một mình thì bị mọi người trong làng coi thường nên không ai dám cả” – anh Nguyễn Dương bộc bạch.
Dulichgo
Những con tàu lướt trên sóng như chiến mã tung vó trên thảo nguyên bao la. Khi máy tầm ngư phát hiện đàn cá tung tăng bơi lội, con tàu dừng lại, dập dềnh trên sóng nước. Ngư dân nhanh tay buông lưới vào lòng biển và rồi cá, mực tươi rói được kéo lên sàn tàu trước những gương mặt rạng ngời niềm vui…
Theo Hữu Nhân (Lao Động online)
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.