(LĐO) – Đi hết đất nước, nếu hỏi nơi nào thấy thú nhất thì tôi ưa về miền Tây Nam Bộ. Vùng đất phương Nam kỳ thú về cảnh quan, văn hóa đã đành, món ăn cũng lạ nốt. Ẩm thực miền Tây dường như rất thăng hoa với nguồn nguyên liệu “hoang dã” giống như không phải… đồ ăn.
Hôm ấy tôi đến khu du lịch Gáo Rồng (Đồng Tháp), thấy người ta bán những đặc sản của vùng trong chợ ẩm thực. Cơ man nào là các loại bánh: Bánh gói, bánh lá, bánh cắp, bánh da lợn (hầu thứ gì cũng được phết nước cốt dừa), nhưng đặc biệt nhất vẫn là chuột đồng quay lu.
Chuột ở đây được coi như món ăn chơi. Những con chuột được xẻ làm đôi rồi nướng vàng ruộm, lựng mùi trên bếp than, hoặc được làm sạch ruột, tẩm ướp cho thơm phức lên rồi mới cho vào lu để quay. Mỡ nước và gia vị khiến chuột chín vàng, xong ăn ghém với muối tiêu, chuối xanh, cà chua, dưa chuột, rau dăm.
Chuột bày biện trên bàn, khiến dân bản địa qua lại thèm nhỏ dãi, nhưng khách du lịch phương xa thì ngó thôi chớ không dám thử, dẫu có được quảng cáo rằng ăn chuột nướng đi sẽ thấy da giòn tan, thịt thơm mềm như nai rừng, nhưng nhìn kia thì đúng ra hình con chuột đang nằm phơi bụng rồi.
Dulichgo
Chuột gì cũng vẫn là chuột, dù người miền Tây luôn vẽ ra cho tôi một không gian lãng mạn và tinh khiết của loài chuột, rằng thì là chuột ấy sống giữa bao la bát ngát cánh đồng, chỉ hít thở khí trời thanh bạch, uống nước đọng trên đọt cây, ăn lá non, lúa đòng và hạt quả, ngay cả lúc giao phối cũng dưới ánh trăng trên bãi cỏ ngào ngạt hương thơm, xem ra chúng còn trang nhã và đỡ uế tạp hơn người.
Chứ không phải chuột cống chui nhủi trong rãnh xú uế xóm liều hay ngách bệnh viện đa khoa đâu mà sợ. Thôi chịu nhá, thui lông béo vàng thế kia chuột nào cũng giống nhau cả thôi.
Song đi miền Tây cũng không đến nỗi lúc nào cũng bó gối ngồi nhìn người ta ăn. Tối trước ở Tràm Chim tôi cũng được thử vài món địa phương cực ép phê là tép xào bông điên điển và lẩu mắm cá linh. Thói quen ẩm thực của mỗi vùng miền chẳng khi nào tách rời được đặc tính địa lý của khu vực ấy.
Dân ở đâu sợ lũ chứ người miền Tây không thấy lũ về có mà lo ngay ngáy. Cứ rằm tháng 7, lũ thượng nguồn sông Mê Kông lại đồ về miền Tây trước khi xối thẳng ra biển cả. Nước lũ kéo theo vô số đãi ngộ cho nồi cơm của cư dân bản địa. Cá linh và điên điển chính là hai đặc sản phong phú nhất đi theo dòng nước.
Dulichgo
Con nước càng cao cá về càng nhiều. Cá linh thừa ứ, người ta đem nướng tre, rim tiêu, kho dừa. Ăn tươi chán mang ra làm mắm. Mắm ấy cho vào lẩu thành hương vị dậy mùi khó quên.
Nồi lẩu còn kèm thêm một rổ bông điên điển vàng ươm. Thả hoa vào nước, ta ăn thay rau. Hai thức ấy song hành, kết nhau như đậu phụ với mắm tôm, thịt chó và riềng mẻ vậy. Đâm ra mới thành ngân nga ca dao: “Canh chua điên điển, cá linh/ Ăn chỉ một mình nên chẳng biết ngon”.
Bữa ăn hàng ngày của người Đồng Tháp nghe có vẻ tiện lợi. Chuột thì bắt đồng cạn, bông điên điển hái ngoài đồng sâu, còn tráng miệng bằng sen Đồng Tháp Mười: Sen sấy khô thơm bùi, sen xay sữa béo ngậy…
Ngồi ăn những món lạ lùng ấy trên cái chòi đua ra dòng nước (tất nhiên chẳng một mình), vừa ăn vừa đưa tay vợt những con muỗi khổng lồ trong ánh đèn vàng quạch đang cố gắng chống chọi với bóng tối bắt đầu xâm lấn lên những dòng kênh và đầm lầy đen đặc bóng tràm, tôi thấy… chẳng còn hạnh phúc nào hơn thế. Đó là thứ hạnh phúc tuyệt đỉnh khi ta lần đầu tiên trải nghiệm những gì chỉ loáng thoáng qua màn ảnh nhỏ.
Dulichgo
Rời Đồng Tháp mà xuôi về Kiên Giang rồi đi sâu vào U Minh Thượng, món ăn còn tăng cấp độ kinh ngạc hơn nữa. Một nồi lẩu bình thường sẽ chứa đầy những con cá kỳ lạ và các loại rau độc nhất vô nhị: Nụ áo, bông bí, điên điển, bông súng, môn nước, so đũa, đậu bắp…
Ngoài mướp đắng và cà tím là hai thứ mà tôi đã quen thuộc, nhưng cũng chẳng bao giờ có hứng thú thả vào nồi lẩu, còn lại những gì ở trên bàn cứ như thể một vườn hoa ngoài cánh đồng chứ chả phải là rau. Tôi cho hết đống hoa hoét xanh đỏ tím vàng đó vào bát rồi toét miệng cười. Người Bắc chỉ ăn có mỗi thiên lý, hoa chuối và bông bí, vô đây người ta chén sạch cả đồng hoa chắc.
Nhà văn Mỹ Jonathan Safran Foer đã từng có lần bảo rằng “Ẩm thực không cần lý lẽ. Đó là văn hóa, thói quen, sự khao khát và nhân dạng”, nên đừng ai tranh biện xem món ăn nào mới là mắc cười. Trừ những thứ có vẻ kinh dị về thị giác, còn thì cứ ăn đi, thế nào bạn cũng thấy dân bản địa có cái lý của họ.
Dulichgo
“Cánh đồng hoa” xem ra có vẻ rất vào. Thả hết vô nồi lẩu, nom giống in một đồng nước nổi thu nhỏ, có cá bơi và hoa lá cành đẹp đẽ dập dềnh, trước khi rũ cánh trong nồi om sùng sục hàng trăm độ. Ngoài kia, những cánh đồng trước cửa rừng U Minh Thượng cũng đang nắng cháy, mà người miền Tây chẳng bao giờ biết nóng nực là gì. Họ ngồi ăn lẩu dưới cái lán chỉ đủ che ánh mặt trời một cách cầm chừng, với hai chiếc quạt lờ đờ gió và nồi nước thì đang bốc hơi nghi ngút. Họ vẫn có cái lý của họ.
Trăm năm trước, dân miền Tây còn chưa có điện, và tôi hình dung người U Minh Thượng tối đến đã hoan hỉ thế nào trước xiên cá nướng và vài con tắc kè xào lăn trong ánh lửa đang cháy rừng rực. Họ nhờ gió từ cánh đồng và những rừng tràm, rừng đước. Sống nóng thì lâu dần rồi cũng quen đi. Đã ra đến tận miền Tây, sao lại còn lăn tăn mãi về cái điều hòa.
Theo DiLi (Lao Động)
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.