(BQN) – Từ lâu, vòng đồng, vòng bạc và cả những chuỗi cườm nhiều màu sắc… không chỉ là đồ trang sức làm đẹp của phụ nữ dân tộc Ca Dong mà còn thể hiện bản sắc văn hóa tộc người.
< Phụ nữ Ca Dong với trang sức bằng bạc đeo ở cổ tay.
Cũng như các dân tộc khác sinh sống trên dãy Trường Sơn và khu vực Tây Nguyên, từ xa xưa, người Ca Dong đã biết tìm tòi những chất liệu sẵn có trong thiên nhiên hay thông qua trao đổi, buôn bán để có nguyên liệu làm đồ trang sức. Đối với người Ca Dong, trang sức vừa là nhu cầu thẩm mỹ vừa ẩn chứa những giá trị trong đời sống văn hóa tinh thần như tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán, lễ hội…
Theo quan niệm của người Ca Dong từ bao đời nay, chiếc vòng bằng đồng (cót), vòng bạc (niê) đeo ở tay, ở cổ chính là nơi ngự trị của thần trường thọ, no ấm, may mắn, được xem là vật hộ mệnh và nó trở thành người bạn tri kỷ, chứng kiến những bước thăng trầm trong cuộc sống mỗi người phụ nữ Ca Dong. Một khi người phụ nữ trong gia đình chết, họ sẽ mang theo chiếc vòng đeo tay bằng đồng, vòng bạc đeo ở tay, ở cổ gắn bó nhất với cuộc đời mình sang thế giới bên kia.
Dulichgo
Đặc biệt, những chiếc vòng này cũng là tín vật không thể thiếu trong lễ cưới của người Ca Dong. Tùy vào điều kiện của từng gia đình, ngoài những tặng phẩm truyền thống, họ hàng nhà trai cần chuẩn bị một chiếc vòng đeo tay bằng đồng và vòng bạc để đôi bạn trẻ làm của hồi môn. Đó là tín vật hôn nhân của các cặp vợ chồng, chúng rất quý. Cũng vì giá trị của nó, mà người phụ nữ Ca Dong luôn căn dặn con cháu phải biết quý trọng, bảo vệ thứ của hồi môn này.
Thông thường, những người Ca Dong giàu sang, có quyền lực thường lùng tìm những chiếc vòng đồng, vòng bạc đẹp, độc đáo nhất để trưng diện. Thế nên, nhiều gia đình giàu sang sẵn sàng đổi cả con trâu để mua về chiếc vòng đồng, vòng bạc quý. Ngày nay, tuy giá trị vật chất đã giảm đi đáng kể nhưng chiếc vòng đồng, vòng bạc vẫn mang giá trị tinh thần rất lớn. Thực tế, nhiều phụ nữ Ca Dong lớn tuổi không bao giờ bỏ những chiếc vòng quý giá ấy ra khỏi người. Họ cho rằng, thứ trang sức này có hồn vía. Thế nên, khi không đeo nữa, người cao tuổi sẽ rất dễ bị ốm. Bên cạnh đó, nếu ai dại dột cho người khác mượn thì sự sang giàu, quyền quý sẽ tiêu tan.
Dulichgo
Người Ca Dong rất kiêng kỵ việc đánh mất hoặc để vòng đồng, vòng bạc bị gãy. Họ tin, nếu điều ấy xảy ra, mọi tai ương sẽ giáng xuống gia đình mình. Thế nên, mỗi khi thấy vòng đồng, vòng bạc bị gãy, bà con thường nhường chuỗi vòng đó cho người nghèo, xem như làm phúc để hy vọng giảm bớt sự xui rủi. Sau đó, họ sẽ tức tốc làm lễ cúng, xin thay thế bằng một vòng đồng, vòng bạc mới để thay đổi vận mệnh.
Trang sức bằng cườm (prét kha luân) cũng được xem là một trong những đặc điểm nổi bật của phụ nữ dân tộc Ca Dong. Cườm có nhiều loại lớn nhỏ khác nhau và có nhiều màu sắc nhưng màu được yêu chuộng nhất là màu xanh da trời và màu vàng. Cườm được xâu thành chuỗi để phụ nữ đeo ở cổ. Ngoài trang sức bằng cườm ra, ở phụ nữ dân tộc Ca Dong còn dùng đồ trang sức bằng chuỗi dây đồng dài có gắn lục lạc quấn vào lưng quần để tăng thêm vẻ đẹp mỗi khi tham gia lễ hội.
Dulichgo
Ngày nay, có dịp đến các bản làng của người Ca Dong ở hai huyện vùng cao Bắc Trà My và Nam Trà My, không khó để bắt gặp hình ảnh những phụ nữ Ca Dong lớn tuổi và thiếu nữ đeo trang sức. Mỗi dịp lễ hội, đám cưới, người phụ nữ Ca Dong thường lấy các loại trang sức được cất giữ ra giới thiệu với con cháu. Mỗi chiếc vòng đồng, vòng bạc, chuỗi cườm nhiều màu và cả dây đồng có đính lục lạc đều gắn với một câu chuyện về cuộc đời của mỗi người phụ nữ Ca Dong. Và chúng mãi mãi được người Ca Dong xem là vẻ đẹp tượng trưng cho sự thịnh vượng, uy quyền, linh thiêng…
Theo Sơn Gia Phúc (Báo Quảng Nam)
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.