RaoVat24h
Kinh doanh Quản trị kinh doanh

Văn hoá doanh nghiệp là lĩnh vực văn hoá ứng dụng rất được quan tâm

Advertisement

Văn hoá doanh nghiệp là lĩnh vực văn hoá ứng dụng rất được quan tâm, đặc biệt là khi nền kinh tế bước vào thời hội nhập với nhiều khó khăn và thách thức, thì chính văn hoá sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt nổi trội, góp phần vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo dựng được dấu ấn của riêng mình. Tầm quan trọng của văn hoá doanh nghiệp đã được minh chứng và khẳng định qua hàng loạt những công trình của các nhà nghiên cứu có tầm ảnh hưởng trên thế giới từ rất sớm. Ngay từ những năm 20 thế kỷ trước đã xuất hiện trong khuôn khổ của phong trào Human-Relations các chương trình nhằm “chăm sóc mối quan hệ giữa con người” với sự tham gia nghiên cứu của rất nhiều nhà học giả lẫn nhà kinh doanh khi mà các doanh nghiệp phải đối mặt với những khủng hoảng bên ngoài hay thất bại trong quản lý. Quá trình nghiên cứu nở rộ trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế giữa những năm 70 và đầu những năm 80 của thế kỷ trước với những tên tuổi như là Tom Peters và Robert Waterman (Công ty McKinsey Mỹ) với việc nghiên cứu những thách thức đến từ các doanh nghiệp Nhật Bản và hình thành nên trong những năm 70 thế kỷ trước một mô hình doanh nghiệp (Mô hình 7S), gồm ba yếu tố cứng và bốn yếu tố mềm và tạo ra nền tảng cho sự thành công – trong đó có yếu tố văn hóa doanh nghiệp. Giáo sư quản trị kinh doanh người Mỹ là William G. Ouchi cũng nghiên cứu nhiều năm sự khác biệt giữa doanh nghiệp Mỹ và doanh nghiệp Nhật Bản trong tác phẩm “Theory Z: How American Managmenent Can Meet the Japanese Challenge” (1981), những tác động tới nhân viên trên phương diện tự giác kỷ luật lao động cao và ý thức hợp tác từ nền tảng văn hóa quản lý dựa trên niềm tin.

Nhiều tác giả khác tại các quốc gia khác nhau cũng có nghiên cứu riêng mình, nhưng có cùng nhận định rằng, đã tồn tại một văn hóa doanh nghiệp. Nhà khoa học người Hà Lan là Geert Hofstede bổ sung vào bức tranh nghiên cứu trên, thông qua công bố những kết quả nghiên cứu công phu của ông vào đầu năm 1980 tại công ty IBM với 116.000 phiếu điều tra nhân viên ở tất cả các cấp bậc quản lý được thu thập. Hofstede chỉ ra trong “Culture’s Consequences: International Differences in Work Related Values, Beverly Hills, CA, Sage Publications” (1980) sự tồn tại của nhóm văn hóa cấp quốc gia và cấp khu vực, nó tượng trưng cho hành vi của các nhà quản lý và gây ra ảnh hưởng chi phối tới tổ chức và sự lãnh đạo của họ. Năm 1992 hai Giáo sư Harvard là John Kottler và Jim Heskett nghiên cứu thêm văn hoá doanh nghiệp khi so sánh các doanh nghiệp thành công và không thành công. Nhà tâm lý học về tổ chức Edgar Schein trong công trình nổi tiếng của ông là “Organizational Culture and Leadership: A Dynamic View. San Francisco, CA” (1992) phân loại văn hóa doanh nghiệp theo ba cấp bậc, theo đó luật lệ, logo và thương hiệu là quan sát được và dễ dàng thay đổi, nhưng những giả định dựa trên yếu tố giá trị thì không nhìn thấy được và hầu như không thay đổi được. Ngoài ra còn có những tác giả nổi trội khác như Schein, E.H, Gerry Johnson, J. P. Kotter, R.A. Cooke, J. B. Barney… đã có sự đóng góp không nhỏ vào việc làm sáng tỏ và ứng dụng rộng rãi văn hoá doanh nghiệp vào kinh doanh.

Tại Việt Nam, việc nghiên cứu văn hoá doanh nghiệp xuất hiện muộn hơn. Một phần vì trước đây người ta cho rằng, văn hoá và kinh tế là hai lĩnh vực hoàn toàn tách biệt nhau, không có mối quan hệ hỗ trợ, gắn bó nào. Đấy là một nhận thức sai lầm. Sau Đại hội VI của Đảng, chúng ta bắt đầu đổi mới về tư duy, nhận thức, trước hết là đổi mới tư duy về kinh tế. Chúng ta đã nhận thức được tầm quan trọng của văn hoá trong phát triển kinh tế khi Văn hoá vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát phát triển kinh tế – xã hội. Mãi đến năm 1995, tại Hà Nội, Trung tâm Khoa học xã hội – Nhân văn Quốc gia cùng với Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam mới phối hợp tổ chức cuộc Hội thảo “Văn hoá và kinh doanh”. Trong hội thảo này các đại biểu quốc tế và Việt Nam đều nhất trí và khẳng định rằng, giữa văn hoá và kinh tế có mối quan hệ khăng khít, chặt chẽ với nhau, đồng thời chỉ ra rằng, trong kinh doanh yếu tố văn hoá đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Từ bước khởi đầu đó, văn hoá doanh nghiệp đã được nghiên cứu có hệ thống trong vòng vài năm trở lại đây, đặc biệt là từ các nhà văn hóa học vì văn hóa doanh nghiệp là một tiểu hệ của văn hóa học. Điển hình là bài giảng về văn hóa doanh nghiệp của tác giả Trần Ngọc Thêm… Ở cấp độ luận văn thạc sĩ thuộc chuyên ngành văn hóa kinh doanh, chúng ta đã có một số đề tài nghiên cứu khá gần như: Luận văn thạc sĩ của Nguyễn Hoàng Chiêu Anh với đề tài “Văn hóa doanh nghiệp khách sạn – nhà hàng tư nhân tại thành phố Hồ Chí Minh từ góc nhìn văn hóa học”, luận văn “Chiến lược kinh doanh của Bamboovillage resort” của thạc sĩ Nguyên Văn Tiến, cùng các bài viết trên website Văn Hóa Học như bài viết về “Du lịch biển và môi trường văn hóa biển” của GS.TS. Mai Ngọc Chừ , đề tài “Khai thác các giá trị văn hóa và lễ hội truyền thống ở các tỉnh ĐB sông Cửu Long để phát triển du lịch” của Lê Hồng Lý , bài biết “Khai thác lợi thế văn hóa trong hoạt động du lịch” của TS.Nguyễn Văn Hiệu, “Văn hóa du lịch từ góc nhìn sử văn hóa – địa văn hóa” của TS.Đinh Thị Dung…

Bên cạnh được nghiên cứu như một tiểu hệ của văn hóa học, văn hóa doanh nghiệp còn được các nhà quản trị học xem xét và đồng nhất chúng với văn hóa tổ chức trong công ty. Tại một số trường đại học, văn hóa doanh nghiệp trở thành một môn học với mục đích tìm hiểu, xây dựng văn hóa tổ chức và văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp. Theo đó, các tác phẩm viết về văn hóa doanh nghiệp với mục đích trên có thể kể ra như: “Văn hóa và kinh doanh” (Phạm Xuân Nam (chủ biên), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996); “Văn hóa kinh doanh và triết lý kinh doanh” (Đỗ Minh Cương, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001); “Văn hóa vì phát triển” (Phạm Xuân Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998); “Xây dựng mội trường văn hóa nước ta từ góc nhìn giá trị học” (Đỗ Huy, NXB VHTT Hà Nội, 2001); “Văn hóa kinh doanh” (Phạm Văn Nghiêm, Vũ Hòa, Trần Trúc Thanh (chủ biên), NXB Lao Động Hà Nội, 2003); “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” (Đào Duy Quát, tạp chí tư tưởng văn hóa số 6/2003); “Giáo trình đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp” (Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Quân (chủ biên), NXB Lao động xã hội, Hà Nội, 2005); “Một góc nhìn kinh doanh” (Phạm Vũ Lửa Hạ, NXB Trẻ, TP.HCM, 2005); “Sức hấp dẫn một giá trị văn hóa doanh nghiệp” (Trần Quốc Dân, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005); “Văn hóa kinh doanh” (PGS.TS Dương Thị Liễu (chủ biên), NXB Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội, 2009)…

Qua nghiên cứu về văn hoá nói chung, đặc biệt là nghiên cứu về văn hoá của các bộ lạc thời kỳ trước đây, người ta thấy rằng mỗi một bộ lạc đều có đức tin và quy tắc riêng, và buộc các thành viên tuân theo bằng cách ban ra các điều cấm kị. Bất kỳ một cá nhân nào không tuân thủ lập tức sẽ bị trừng trị theo luật lệ hà khắc của bộ lạc, bị giết hoặc làm làm mồi cho thú dữ .

Tương tự như một tổ chức hay một doanh nghiệp hoạt động đều tạo cho mình những quy tắc riêng, bao gồm các chuẩn mực bắt buộc, những lễ nghi và thủ tục cần thiết để đạt được mục tiêu chung, mà những thành viên nào không đồng hành cùng sẽ bị sa thải. Những quy chuẩn này được phát triển theo thời gian và làm toát lên những đặc điểm cơ bản về hoạt động và bộ mặt của doanh nghiệp đó.

Thực tế cũng cho thấy rằng thành công hay thất bại của nhiều doanh nghiệp ngoài sự phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài như điều kiện xã hội, điều kiện kinh tế chung, sự cạnh tranh… còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố bên trong. Các yếu tố bên trong sẽ tạo ra sức mạnh của doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp có được cái nhìn chiến lược, hoạch định và kiểm soát tốt hơn để có thể khống chế được các rủi ro từ bên ngoài và đạt được các mục tiêu của mình. Vậy yếu tố bên trong ấy là gì, sức mạnh doanh nghiệp có từ đâu, chất lượng quản lý chi phối các hoạt động doanh nghiệp như thế nào và ngược lại nó chịu những sự tác động nào. Câu trả lời văn hoá của doanh nghiệp chính là sức mạnh và nội lực của doanh nghiệp đó. Vậy văn hoá doanh nghiệp là gì ?

Theo Georges de Saite Marie, chuyên gia người Pháp về doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đưa ra định nghĩa như sau: “Văn hóa doanh nghiệp là tổng hợp các giá trị, các biểu tượng, huyền thoại, nghi thức, các điều cấm kỵ, các quan điểm triết học, đạo đức tạo thành nền móng sâu xa của tổ chức”.

Trong khi đó, Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labour Organisation – ILO) định nghĩa như sau: “Văn hóa doanh nghiệp là sự trộn lẫn đặc biệt các giá trị, các tiêu chuẩn, thói quen và truyền thống, những thái độ ứng xử và nghi lễ mà toàn bộ chúng là duy nhất đối với một tổ chức đã biết”.

Ngoài ra hai học giả là Rolff Bergman và Ian Stagg đồng thời là giảng viên của khoa quản trị kinh doanh trường đại học Monash – Úc, cho rằng: “Văn hoá doanh nghiệp là một hệ thống các ý nghĩa biểu đạt chung bao trùm lên toàn bộ doanh nghiệp, có tính chất quyết định tới mọi hành vi và hoạt động của toàn bộ các thành viên trong doanh nghiệp đó”.

Định nghĩa này cũng khá giống với một định nghĩa cũng khá phổ biến và được chấp nhận rộng rãi ở bộ môn quản trị học là định nghĩa của chuyên gia nghiên cứu các tổ chức, Edgar H. Schein: “Văn hóa doanh nghiệp (hay văn hóa công ty) là tổng hợp những quan niệm chung mà các thành viên trong tổ chức học được trong quá trình giải quyết các vấn đề nội bộ và xử lý các vấn đề với môi trường xung quanh”. [12;4B]

Các khái niệm trên đều đã đề cập đến những nhân tố tinh thần của văn hóa doanh nghiệp như: các quan niệm chung, các giá trị, các huyền thoại, nghi thức, … của doanh nghiệp nhưng chưa đề cập đến nhân tố vật chất – nhân tố quan trọng của văn hóa doanh nghiệp.

Việc tìm hiểu khái niệm văn hóa doanh nghiệp chính là xác lập nội hàm và ngoại diên của khái niệm này nhằm chỉ ra những giá trị văn hóa hoặc chưa phải văn hóa của doanh nghiệp để xây dựng văn hóa doanh nghiệp có hệ thống, tiến bộ và phù hợp với bối cảnh kinh doanh hiện nay. Theo đó, văn hóa doanh nghiệp là một tiểu văn hóa (subculture) mà chủ thể sáng tạo là doanh nghiệp.

Theo tác giả Trần Ngọc Thêm: “Văn hóa doanh nghiệp là một hệ thống các giá trị do doanh nghiệp sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động kinh doanh trong mối quan hệ với môi trường xã hội và tự nhiên của mình .

Đặc biệt, từ giữa cuối năm 2002, lớp “Văn hóa doanh nghip…” lần đầu tiên trong cả nước được Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TPHCM tổ chức cho toàn bộ cán bộ nhân viên của Công ty cổ phần Mai Linh (nay là Tập đoàn Mai Linh), gồm hai đợt : đợt thứ nhất tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 01/8 đến ngày 31/8/2002; đợt thứ hai tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 10/10 đến ngày 29/10/2002. Tiếp theo, hội thảo cấp quốc gia đầu tiên về “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Học viện Hành chính Quốc gia – Bộ Nội vụ triển khai ngày 23 – 5 – 2003[1]. Người thiết chế nội dung chương trình và là giảng viên chủ chốt của lớp Văn hóa doanh nghiệp đầu tiên đồng thời là báo cáo viên của hội thảo Văn hóa doanh nghiệp đầu tiên như vậy, TS. Huỳnh Quốc Thắng (lúc đó là Hiệu trưởng Trường CĐ. VHNTTPHCM) sau này là giảng viên chủ trì nhiều lớp liên quan các chủ đề văn hóa doanh nghiệp bao gồm 5 chủ đề cơ bản: Văn hóa thương hiệu, Văn hóa tổ chức, Văn hóa doanh nhân, Văn hóa giao tiếp, Văn hóa kinh doanh. Đó cũng chính là những cơ sở lý thuyết chủ yếu trong các tài liệu giảng dạy, bài viết của PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng sau này tại các chương trình cử nhân, cao học Văn hóa học, Quản trị Kinh doanh…ở các trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. Đáng chú ý, cơ sở lý luận của PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng vừa giải quyết khá toàn diện các vấn đề Văn hóa doanh nghiệp vừa góp phần làm rõ các quan điểm không rạch ròi, ví dụ : Văn hóa kinh doanh bao gồm giá trị lẫn phi giá trị được tích lũy và sử dụng vào hoạt động kinh doanh...Theo tác giả Huỳnh Quốc Thắng, định nghĩa đó không ổn về nội dung khoa học, bởi “văn hóa kinh doanh” hay “văn hóa doanh nghiệp” vẫn được xem là một “tiểu văn hóa” (subculture), có nghĩa rằng nó không thể vừa là giá trị lẫn vừa là phi giá trị ! Theo tác giả Huỳnh Quốc Thắng, tương tự như trước đây người ta không thể nói “văn hóa đồi trụy phản động” mà chỉ có “văn hóa phẩm đồi trụy phản động” thì ở đây chúng ta chỉ có thể nêu ra những “hoạt động kinh doanh (cụ thể) phi giá trị / thiếu văn hóa” chứ không phải / không thể nói là “văn hóa kinh doanh phi giá trị/phi văn hóa” nói chung ! Cũng như vậy nhưng ở khía cạnh khác, tác giả Huỳnh Quốc Thắng cho rằng khái niệm “văn hóa kinh doanh hiện đại” (với “yếu tố giá trị nổi trội”) và “văn hóa kinh doanh lạc hậu” (với “yếu tố phi giá trị nổi trội”) cũng không ổn : “hiện đại” (trong “văn hóa kinh doanh hiện đại”) không thể đồng nghĩa với “giá trị” (văn hóa); và, “lạc hậu” (trong“văn hóa kinh doanh lạc hậu”) không thể đồng nghĩa với “phi giá trị” (không thể xem là một bộ phận của “văn hóa”)! Chính xác hơn, theo Huỳnh Quốc Thắng, khái niệm “hiện đại” và “lạc hậu”ở đây mang ý nghĩa chỉ về số lượng/trình độ phát triển của kinh doanh (tức văn minh kinh doanh) chứ không phải là những gì thuộc về chất lượng/giá trị của kinh doanh (tức văn hóa kinh doanh)…Nổi bật trong các luận điểm của Huỳnh Quốc Thắng là “Văn hóa kinh doanh” không thể tách rời các nhiệm vụ văn hóa, đặc biệt là nhiệm vụ “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nhìn rộng ra, “định hướng xã hội chủ nghĩa” của kinh tế thị trường ở nước ta thực chất đó chính là “định hướng văn hóa”…  

Trương Vũ

[1] Xem Huỳnh Quốc Thắng : Văn hóa doanh nghiệp với chiến lược xây dựng nền văn hóa kinh doanh Việt Nam; Tham luận hội thảo & báo Diễn đàn Doanh nghiệp đăng lại, số 54 ngày 4 – 7 –  2003, trang 7.

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468