RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Về Thổ Hà nghe quan họ

Advertisement

(DNSG) – Người xưa có câu “Về Thổ Hà mới ra quan họ”. Lâu nay khán giả thường quen với việc nghe quan họ có nhạc đệm, nhưng để thưởng thức một canh quan họ đúng nghĩa thì hãy nghe liền anh, liền chị  hát chay…

Trong rất nhiều di sản của làng cổ Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh  Bắc Giang) dân ca quan họ là thứ dễ khiến du khách say đắm nhất. Bằng lối chơi giản dị của lề lối cổ xưa, các liền anh, liền chị nơi đây đã tạo nên chất riêng cho quan họ bờ bắc sông Cầu.

Đứng trên bờ đê sông Cầu, du khách cảm nhận được không gian thật nên thơ, trên bến dưới thuyền mênh mang sóng nước. Biết đâu những làn điệu quan họ cổ như Gọi đò, Ngồi tựa mạn thuyền, Giã bạn… ra đời từ chính không gian ấy.

Vào dịp xuân, đầu làng cuối ngõ ở Thổ Hà đâu đâu cũng là bóng dáng của liền anh, liền chị xúng xính khăn xếp, áo the trẩy hội và đắm say với câu quan họ. Cũng chính cái chất quan họ mộc mạc, đúng lối, cốt cách cổ ấy mà hai nghệ nhân của làng  được mời tham gia lưu diễn tại Pháp. Và cũng thật vinh dự khi làng Thổ Hà có hai liền anh được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú.

Liền anh nghệ nhân ưu tú Phú Hiệp – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ Thổ Hà được xem là người có giọng ca “vang, rền, nền, nảy” vào bậc nhất vùng Kinh Bắc trải lòng: “Quan họ của làng có nét độc đáo mà khắp vùng Kinh Bắc không đâu có được, đó là cảnh hát chào bạn trên sông. Bao năm chơi quan họ, liền anh, liền chị Thổ Hà chưa bao giờ cảm thấy hổ thẹn với tiền nhân bởi lối chơi không dễ dãi, đặc biệt là chưa bao giờ thấy ai phải phàn nàn việc “ngả nón xin tiền”.

Họ chơi vì đắm đuối, hát bằng cả trái tim để thỏa niềm đam mê. Ở Thổ Hà, những người có nghề gọi là “chơi quan họ”, không ai nói “hát quan họ”, cũng chẳng ai gọi là “bài” quan họ mà là “câu” quan họ, mỗi “đoạn” gọi là một “trổ”. Anh hai Hiệp bảo: “Hát quan họ thì dễ, nhưng chơi quan họ thì không phải làng nào và không phải ai cũng hiểu và làm được. Chơi thì thanh tao, khiêm nhường, có lề, có lối và đắm đuối hết lòng. Mình chơi quan họ thì phải giữ cái gốc để cho con cháu sau này nhìn vào còn biết thế nào là quan họ. Bây giờ người ta quen gọi câu lạc bộ quan họ chứ đúng chất cổ xưa thì phải là “bọn quan họ”, dù rằng từ “bọn” bây giờ nghe không lịch sự”.

Người biết chơi quan họ chí ít cũng phải nằm lòng vài chục “câu”, người giỏi có khi biết hàng trăm “câu” để có thể ứng khẩu đối đáp với bọn quan họ làng khác một cách đúng lề đúng lối, đúng phép tắc ứng xử.

Để biết chơi quan họ thì cần có quá trình. Người mới biết hát phải tập cách lấy hơi, kỹ thuật luyến láy, ngân nga rồi khi hát được nhuyễn mới tính đến vang, rền, nền, nảy. Người chơi phải hiểu các điệu hừ la, la rằng, la bạn…, tập hát cả giọng vặt, giọng kết, giọng giã, hát lề lối, hát đối, hát canh… Và phải hiểu văn hóa ứng xử, giao tiếp rất đỗi chân tình và tế nhị của người quan họ.

Quan họ ở Thổ Hà không chỉ là nghệ thuật mà còn là văn hóa ứng xử. Khách đến chơi nhà, không chỉ “rót nước pha trà” mà có cả những câu hát thắm đượm nghĩa tình: Mỗi khi khách đến chơi nhà/ Đốt than quạt nước phà trà mời người xơi/ Trà này quý lắm người ơi/ Mỗi người một chén cho tôi vui lòng.

Theo các nghệ nhân Thổ Hà, sau canh hát đón bạn trên sông, quan họ Thổ Hà chuyển về hát ở chùa, rồi lại về một nhà chứa quan họ (nhà của một liền anh, liền chị trong bọn quan họ). Một canh hát cổ thường có ba chặng. Chặng đầu tiên hát mời theo kiểu lề lối. Chặng thứ hai là chặng vặt, sử dụng các điệu hát thông thường. Chặng thứ ba là chặng giã, giọng hát lưu luyến trữ tình.

Vào mùa xuân, bọn quan họ Thổ Hà thường mời bọn quan họ trong vùng đến giao lưu, đối đáp, ca xướng cho đến sáng hôm sau mới tàn cuộc. Anh hai, chị hai cùng nhau khoe sắc đua tài trong bộ trang phục khăn xếp áo the, bộ áo tứ thân mớ ba, mớ bảy cùng chiếc nón quai thao duyên dáng. Một “bữa tiệc” quan họ mùa xuân trong không gian trầm mặc được cất lên từ những làn điệu làm đắm say thi nhân mặc khách. Càng về khuya quan họ càng bay bổng, mặn nồng tình nghĩa. Càng  về khuya tâm trạng người quan họ được thăng hoa, dãi bày hết qua những câu hát, đẩy cuộc vui đến cao trào. Những làn điệu mang đầy nỗi niềm, cái sầu man mác, tương tư của đôi lứa như lời của một làn điệu liền anh Phú Hiệp thể hiện cho chúng tôi nghe: Bây giờ còn sớm người ơi/ Xin người nghỉ lại mà chơi mai về – Bây giờ chia rẽ đôi nơi/ Kẻ về người ở như khơi mạch sầu/Ruột tằm chín khúc quặn đau… Từng lời, từng câu hát cứ văng vẳng thánh thót, nghe sao mà sâu lắng, thiết tha!

Nghệ nhân Phú Hiệp chia sẻ: “Câu hát mà chúng tôi khi cất lên không phải là “trót lưỡi đầu môi” mà sự trải lòng mình. Quan họ Thổ Hà phải chơi, phải hát sao cho thể hiện được tấm chân tình, hiếu khách và tâm tình của người hát. Thế mới có câu: Xưa kia nam nữ trẻ già/ Ai mà ca được ắt là hiển vinh/ Ngẫm xem các giọng cho tinh/ Ai mà ca được hiển vinh muôn đời.

Mấy chục năm nay, dù cuộc sống khó khăn đến đâu vẫn không thể thiếu được quan họ trong hội xuân. Đó là dịp để người quan họ uống chén rượu mừng xuân, mừng hội, vui bầu vui bạn đến khi nào tàn canh, rạng ngày mới thôi. Nhưng cuộc vui nào rồi cũng có hồi kết, màn chia tay giã bạn đầy bịn rịn, quyến luyến diễn ra ngay trên bến sông với câu hát Người về em vẫn khóc thầm/ Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa hay Bây giờ kẻ bắc người nam/ Đàn cầm ai nỡ dứt dây cho đành/ Quan họ nghỉ chúng em ra về. Cả chủ lẫn khách bùi ngùi tiếc nhớ Người về tôi vẫn ngậm ngùi/ Để thương, để nhớ cho tôi thế này/ Người về tôi chẳng dám nài/ Áo trong người mặc, áo ngoài người để làm tin.

Theo Kim Sa (Doanh Nhân Sàigòn)
Người Miền Trung !

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468