(BQN) – “Lem o’!” (Quá đẹp!). Già Du vừa thốt lên vừa cầm cái xương lưỡi gà giơ lên cao, như để mọi người cùng thấy về dấu hiệu của thần linh cho cộng đồng người Xê Đăng. Rồi tiếng cồng chiêng dồn dập vang lên, như một lời cám ơn mẹ Ngọc Linh đã ban tặng kho báu. Đã từ khá lâu rồi, vũ điệu của thần La (thần cồng chiêng) lại được tấu lên một cách say đắm.
Vũ điệu tạ ơn rừng
Theo già Hồ Văn Du, một người trồng sâm Ngọc Linh ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My thì đã từ lâu lắm rồi tiếng cồng chiêng mới lại dồn dập, hùng dũng như ngày hôm nay – ngày lễ tạ ơn thần rừng. Trước đó, chỉ những khi mừng tết lúa mới kết hợp với đâm trâu thì bà con mới có dịp cùng khiêu vũ với trống, chiêng. “Nhưng cũng ngót nghét 10 năm rồi tiếng chiêng chưa được vang lên. Một phần vì chủ trương của Nhà nước không muốn đồng bào mình tiếp tục lễ hội đâm trâu, một phần vì kinh tế không cho phép. Một lần tổ chức đâm trâu tiêu tốn cũng vài chục triệu, với thực lực kinh tế lúc đó, có muốn đâm cũng chẳng được” – già Du cười nói.
Cũng chỉ từ khi cây sâm Ngọc Linh được biết đến, rồi giá trị ngày càng tăng mạnh thì đời sống bà con xã Trà Linh bắt đầu khấm khá hẳn. Sâm Ngọc Linh trước đây chỉ như một vị thuốc quý cho đồng bào mỗi khi đau ốm, thì nay được bán ra, thu về tiền tỷ. Có nằm mơ họ vẫn không tin được là một cuộc đổi đời nhanh đến thế. Và dàn chiêng trống của họ lại có dịp vang lên giai điệu trầm hùng, để vũ điệu của thần La lại một lần nữa được vang lên. Lần này, trước sự chứng kiến của hàng ngàn người, của đồng bào Xê Đăng, của chính quyền huyện Nam Trà My, người Trà Linh tạ lễ thần rừng.
Dulichgo
Dàn chiêng của người Xê Đăng ở Trà Linh thường có số chẵn, với kích cỡ lớn nhỏ khác nhau. Những chiếc chiêng ấy thường đi cùng với một trống tạo thành một dàn chiêng tương đối lớn. Âm vang cồng chiêng của đồng bào có giai điệu trầm hùng, ngân nga. Trước khi lấy cồng chiêng ra đánh, mọi người đều phải sắm lễ vật cúng xin phép tổ tiên để tỏ lòng thành kính với gia sản cha ông để lại. Trong lễ tạ ơn mẹ Ngọc Linh lần này, lễ vật được dâng lên là một con gà, một ché rượu cần được ủ bằng men lúa mới được đặt dưới biểu tượng sâm Ngọc Linh. Biểu tượng này được rước từ dưới chân núi Ngọc Linh, qua các nóc của người Xê Đăng dưới sự dẫn dắt của các già làng có uy tín, để tất cả đều cúi đầu tạ ơn rồi ngẩng cao đầu kêu lên một tiếng dài, như lời tri ân đến mẹ Ngọc Linh đã ban tặng sản vật quý, giúp bà con có được cuộc sống đủ đầy.
Già Hồ Văn Du cầm chiếc xương lưỡi gà đưa lên cao cho mọi người cùng thấy rồi hô vang: “Lem o’!”. Nghĩa là quá tuyệt vời, là sự hoàn hảo, là dấu hiệu của thần rừng đã hiểu được tấm lòng của người Xê Đăng gửi đến mẹ Ngọc Linh. Chiếc gan gà được chia thành từng miếng nhỏ rồi đưa cho từng người trong cộng đồng, như một lời tuyên thệ của những người trồng sâm Ngọc Linh, cam kết với thần rừng sẽ tiếp tục gìn giữ, bảo vệ gia sản mà cha ông để lại, phát triển hơn nữa món quà của thiên nhiên đã đặc biệt ưu đãi cho người Xê Đăng trên đỉnh Ngọc Linh.
Liền sau đó, tiếng trống vang lên, hòa cùng tiếng chiêng tạo nên âm điệu dồn dập cùng các điệu múa xoang của các cô gái và điệu nhảy truyền thống của các chàng trai, tất cả tạo nên một sắc thái riêng của lễ hội tạ ơn thần rừng của người Xê Đăng.
Dulichgo
Âm vang còn mãi
Trà Linh thay đổi đến chóng mặt kể từ khi cây sâm bước ra thị trường. Trước đây, nhắc tới nóc Măng Lùng, Tắc Ngok thì tất thảy đều phải lắc đầu, lè lưỡi. Những lối mòn xuyên giữa rừng là con dốc dựng đứng khiến ai cũng dè chừng thì nay con đường rộng rãi đang trên đà hoàn thiện. Đêm, ngó lên phía rừng ánh điện sáng cả một vùng. Hệ thống camera chống trộm sâm tiền tỷ còn hiện đại hơn gấp mấy lần ở các biệt phủ. Bởi vậy, người ta truyền tai nhau câu vè: “Ngó lên Trà Linh bây chừ/ Thay da đổi thịt cũng là nhờ sâm” để nói về sự thay đổi này.
Cách tiêu tiền hay cách xây nhà rất… Trà Linh cũng được người ta nhắc đến nhiều, nhưng như già Hồ Văn Thành (nóc Tắc Lang, xã Trà Linh) nói, người dân ở đây họ có cái lý của họ. “Không xây biệt phủ hay tiêu pha hoang phí, mà họ chỉ muốn chỗ ở của họ được vững chãi, không phải dời làng sau những biến thiên của thời gian. Và rằng, mỗi khi tiêu tốn tiền của vào bất cứ một việc gì, người dân cũng ngước mắt nhìn về phía rừng để biết mình đang ở đâu, có được những gì mà cư xử cho phù hợp” – già Thành nói.
Trong buổi lễ tạ ơn thần rừng, tôi hỏi già Hồ Văn Du về những điều mà cộng đồng Xê Đăng dâng lên mẹ Ngọc Linh. Già cười: “Cùng chẳng có gì to tát hết. Chỉ là mình tỏ lòng biết ơn đến mẹ Ngọc Linh đã dành sự ưu ái cho tộc người của mình, để bà con có được cuộc sống no đủ hơn, không còn cái cảnh quanh năm trông chờ vào những nương rẫy được chăng hay chớ. Và cũng cam kết rằng, sẽ bằng mọi giá bảo vệ rừng, để rừng mãi xanh như bao năm nay vẫn thế”.
Dulichgo
Đó không là lời nói suông mà bằng những hành động cụ thể, đồng bào Xê Đăng ở Trà Linh đang tìm mọi cách để bảo vệ rừng. Những tập tục xưa cũ nay cũng đã dần được thay thế bằng một “văn hóa sâm”: một cách thiết thực, trực quan nhất là rừng còn thì sâm mới còn, để người dân nơi đây có thể gìn giữ và phát triển vùng sâm lên một tầm mới. Có lẽ hay nhất là tập tục tặng sâm cho trẻ. Khi những đứa trẻ ra đời, cứ đến sinh nhật từ 1 đến 5 tuổi thì cộng đồng đến mừng tuổi đều mang những gốc sâm tốt nhất, khỏe mạnh nhất để làm quà. “Người nhiều cho nhiều, người ít cho ít. Khi được tặng sâm, dưới sự chứng kiến của già làng, đứa trẻ sẽ được cha mẹ đưa lên tận khoảnh đất được dành riêng cho nó. Sau lễ tạ ơn thần rừng thì trồng những gốc sâm đó xuống, như một số vốn ban đầu để khi nó trưởng thành có cái làm ăn. Đó cũng là cách để dạy cho đứa trẻ hiểu được tầm quan trọng của sâm Ngọc Linh, để lớn lên nó tiếp tục gìn giữ và phát triển cây sâm” – già Hồ Văn Du chia sẻ.
Ở thời điểm hiện tại, việc phát triển cây sâm Ngọc Linh đang được nghiên cứu và phát triển rộng khắp trên toàn huyện Nam Trà My. Hiệu ứng từ đó cũng lan tỏa rất nhanh, mà như ông Hồ Quang Bửu – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, là giữ rừng rất tốt. “Bây giờ có thể khẳng định rằng, không nơi nào giữ rừng tốt như ở Nam Trà My. Chẳng cần chính quyền tuyên truyền gì nhiều mà người dân cũng tự động chung tay bảo vệ rừng. Như ở xã Trà Nam, những căn chòi đặt ở bìa rừng được đồng bào ở đây dựng lên như một điểm chốt chặn không cho lâm tặc xâm hại rừng. Mỗi nóc, mỗi thôn hay mỗi nhóm hộ từ đó phân chia canh gác, đi tuần thường xuyên để đảm bảo không ai có thể phá hoại rừng. Chỉ khi người dân đồng lòng đến thế thì mới bảo vệ được rừng” – ông Bửu hồ hởi khoe.
Dulichgo
…Và, tiếng cồng chiêng trong những dịp lễ hội của người Xê Đăng lại một lần nữa trầm hùng cả một góc rừng. Lần này, trong vũ điệu mê đắm của thần La, những người con dưới chân núi Ngọc Linh say sưa trong từng nhịp chiêng trống, trong men rượu cần mùa lúa mới, trong niềm vui của một cuộc đổi đời vừa mới bắt đầu. Ở đó, họ tin vào những gì thần rừng đã ban tặng. “Lem o’”!
Theo Nguyễn Dương (Báo Quảng Nam)
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.