RaoVat24h
Kiến thức Ngữ văn Ôn thi THPT QG

ĐỀ SỐ 20

Advertisement

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BÌNH ĐỊNH       KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2018
    TRƯỜNG THPT SỐ 1 TUY PHƯỚC                         Bài thi môn: NGỮ VĂN                                                                                                         Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề
   
                           


           (Đề thi gồm có 02 trang)
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Con đã được học và nghe giảng rất nhiều về lòng dũng cảm. Nhưng những gì mà con đã được thấy ở sâu thẳm cuộc sống xung quanh đã chép lại trong con một định nghĩa rất mới về lòng dũng cảm, không cô đọng nhưng đầy ý nghĩa.
Là bố, người đã nén nỗi đau quặn thắt vì căn bệnh ung thư mà mỗi tối vẫn đặt tay lên vai con, nói với con về cuộc đời, về đôi vai con sẽ là chỗ dựa vững chắc nhất cho mẹ và chị. Những phút giây bố giành giật sự sống của mình để nhìn con lớn lên từng ngày, con không bao giờ quên. Bố đã gửi lòng dũng cảm của mình trên đôi vai con, để con luôn đứng vừng và mạnh mẽ tiến về phía trước…
Là mẹ, người đã vất vả, tất bật vì công việc mà nuôi hai chị em con ăn học. Suốt mười mấy năm, quần quật từ lúc giọt sương chưa tan đến tận khi mặt trời co rúm ró phía đằng Tây, nhưng chưa buổi tối nào, mẹ bỏ con ngồi học một mình. Hình phạt “nặng nề” trong buổi học của con là những lần thước vào tay. Mẹ đã gửi lòng dũng cảm và niềm tin của mình trong bàn tay con, để những lần con nhìn thấy đường chỉ trên bàn tay và lại nghĩ về những vết chân chim nứt nẻ trên ruộng đồng mỗi mùa hạn hán…
Là chị, người đã cố gắng hết mình nhưng vẫn bị “trì hoãn thành công” sau kì thi Đại học. Nhưng suốt một năm sau đó, chị đã miệt mài hằng đêm với những quyển sách dày cộm, chỉ với một quyết tâm: “phải học cho mẹ đỡ khổ”. Ngày cầm trên tay tờ giấy báo trúng tuyển, chị đã bật khóc lên vì sung sướng trong vòng tay mẹ. Những giọt nước mắt của chị cho con biết rằng thành công phải đổi bằng mặn chát của nước mắt và lòng dũng cảm của mình…
Hai mươi tuổi, con đã bước đi bằng hành trang vô giá là lòng dũng cảm. Bàn chân nhiều lúc tập tễnh ngã dúi dụi về phía trước, nhưng chưa một lần có ý định dừng lại… “Nhặt kiếm lên và đi vào rừng thẳm”, đó là cách duy nhất để con đã đang và sẽ vững bước trên chặng đưòng dài phía trước. Con đã đi, bước ra cuộc đời như thế!
(Nguyễn Thái Anh, Dũng cảm bước đi, bài dự thi báo Văn hóa và Thể thao ngày 14/5/2009)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?
Câu 2Theo anh/chị vì sao người viết cho rằng: “Bố đã gửi lòng dũng cảm của mình trên đôi vai con, để con luôn đứng vừng và mạnh mẽ tiến về phía trước…”
Câu 3 “Nhưng những gì mà con đã được thấy ở sâu thẳm cuộc sống xung quanh đã chép lại trong con một định nghĩa rất mới về lòng dũng cảm”. Theo anh/chị người viết đã “định nghĩa rất mới về lòng dũng cảm” như thế nào?
Câu 4: Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất với anh/chị?
II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)
            Câu 1. (2,0 điểm)
            Từ nội dung của phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về chủ đề Dũng cảm bước đi”
           
Câu 2. (5,0 điểm)
Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi…
Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.
Nhớ sao lớp học i tờ
Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa…
(Ngữ văn 12, Tập một, tr.111, NXB Giáo dục – 2009)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó hãy liên hệ với bài thơ “Từ ấy” (Từ ấy, Ngữ văn 11, tập hai, NXB Giáo dục, 2016) để làm rõ phong cách thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu?
———-HẾT———
Thí sinh không sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh: ……………………………….; số báo danh:…………………….
II. ĐÁP ÁN – THANG ĐIỂM
PHẦN
CÂU
NỘI DUNG
ĐIỂM
I
PHẦN ĐỌC HIỂU
3,0
1
Phương thức biểu đạt: Nghị luận
0,5
2
Người viết nói như vậy vì:
– Người bố đã dũng cảm chống chọi với căn bệnh ung thư nguy hiểm để giảnh giật sự sống cho mình.
– Chính người bố là tấm gương sáng truyền cho con lòng dũng cảm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách làm chỗ dựa cho người thân trong gia đình và luôn đứng vững trong cuộc đời.
 (Lưu ý: chỉ cần đúng một ý cũng cho điểm tối đa ở câu hỏi này)
1,0
3
 “định nghĩa rất mới về lòng dũng cảm”:
– Là sự mạnh mẽ nén nỗi đau của ban thân, đối mặt với khó khăn, thử thách, để vượt lên số phận, sống có ý nghĩa.
– Là sự nhẫn nại, hi sinh, gánh lấy nỗi vất vả khó nhọc để đem lại niềm vui và cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người.
– Là sự chăm chỉ, nỗ lực không ngừng, để vượt qua thất bại, gặt hái được thành công.
 (Lưu ý: chỉ cần nêu 2 ý thì được điểm tối đa câu hỏi này)
1,0
4
Thông điệp có ý nghĩa nhất trong đoạn trích:
HS đọc và nhận ra những thông điệp hàm ẩn trong văn bản. Trình bày suy nghĩ cá nhân, nêu rõ vì sao thông điệp đó có ý nghĩa nhất. Có thể lựa chọn thông điệp về sự nỗ lực vươn lên thử thách/ hoặc về sự nhẫn nại, đức hi sinh, lòng biết ơn…
(Có thể trình bày gạch ý, hoặc viết đoạn văn ngắn)
0,5
II
LÀM VĂN
1
Từ nội dung của phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về chủ đề “Dũng cảm bước đi”
2,0
a. Ðảm bảo cấu trúc một đoạn văn (200 chữ) nghị luận xã hội
0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: “Dũng cảm bước đi”
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động
– Giải thích “dũng cảm”
0,25
– Bàn luận:
+ Vì sao để đi đến thành công chúng ta cần có lòng dũng cảm
+ Vì sao dũng cảm là hành trang vô giá của mỗi con người
 + Phê phán: những người nhầm tưởng lòng dũng ảm với hành động liều lĩnh, mù quáng, bất chấp công lí. Phê phán những người hèn nhát, bạc nhược không dám đấu tranh, không dám đương đầu với khó khăn thử thách để vươn lên trong cuộc sống.
1,0
– Bài học nhận thức và hành động: Rút ra bài học phù hợp cho bản thân
0,25
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
0,25
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
2
Ta đi ta nhớ những ngày…
Chày đêm nện cối đều đều suối xa…
(Ngữ văn 12, Tập một, tr.111, NXB Giáo dục – 2009)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó hãy liên hệ với bài thơ “Từ ấy” (Từ ấy, Ngữ văn 11, tập hai, NXB Giáo dục, 2016) để làm rõ phong cách thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu?
5,0
a. Ðảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học: có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: qua khổ thơ thấy được nỗi nhớ của người cán bộ về xuôi với Việt Bắc. Từ đó liên hệ với bài thơ “Từ ấy” (Từ ấy, Ngữ văn 11, tập hai, NXB Giáo dục, 2016) để làm rõ phong cách thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu
0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng
– Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, ý kiến
0,5
– Cảm nhận khổ thơ:
+ Trước hết, đó là tình cảm thương nhớ đối với kỷ niệm những ngày tháng đồng cam cộng khổ (4 câu đầu):
++ Từ xưng hô “mình, ta” : thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa người cán bộ cách mạng và Việt Bắc.
++ Ta đi ta nhớ, mình đây ta đó : kết cấu đối xứng thể hiện giọng thơ rắn rỏi, nói lên tình cảm gắn bó tha thiết, nhớ thương của người cán bộ đối với Việt Bắc.
++ Đắng cay, ngọt bùi : từ ngữ tương phản nói lên kỷ niệm phong phú, sâu sắc của cán bộ trong những tháng ngày gian khổ nơi Việt Bắc và với người dân Việt Bắc.
+ + Chia, sẻ, đắp cùng : những động từ bộc lộ tình cảm đồng cam cộng khổ của Việt Bắc và cách mạng.
+ 2 câu tiếp : Trong nỗi nhớ của người cán bộ, hình ảnh người dân Việt Bắc hiện lên chân thật và đầy xúc động với hình ảnh: “người mẹ nắng cháy lưng / địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô”. Đó là người lao động nghèo khổ, neo đơn nhưng dạt dào ân tình với cách mạng, không ngại vất vả, cực khổ lao động góp phần tạo nên lương thực cho cách mạng nuôi quân. Hình ảnh thơ giàu sức gợi, phản ánh tình cảm sắc son của đồng bào dân tộc đối với cách mạng.
– 4 câu tiếp theo : Con người và cảnh vật gắn bó với nhau. Nhớ về con người Việt Bắc, người cán bộ cách mạng lại nhớ trở lại những kỷ niệm gắn bó ở Việt Bắc. Đó là kỷ niệm với những lớp học bình dân học vụ (lớp học i tờ), những đêm liên hoan văn nghệ giữa núi rừng, những ngày tháng công tác ở cơ quan, gian nan nhưng lạc quan, đầy ắp yêu thương với tiếng hát , tiếng ca vang dội cả núi rừng.
– 2 câu cuối : cảnh vật Việt Bắc với nét gợi cảm trong buổi chiều và đêm tối, hiện lên sống động, tha thiết trong nỗi nhớ của người cán bộ về xuôi.
++ Từ nghi vấn “sao” kết hợp với “nhớ” làm cho giọng thơ trở nên tha thiết, phù hợp với tâm trạng của người cán bộ cách mạng về xuôi.
++ Rừng chiều, suối xa : hình ảnh thơ gợi lên khung cảnh trữ tình, gợi cảm của núi rừng Việt Bắc.
++ Cảnh vật được mô tả với chi tiết về âm thanh (tiếng mỏ, chày đêm nện cối) thể hiện khung cảnh đặc trưng của núi rừng. Am thanh vang vọng gợi tới những ký ức xa xôi nhưng tha thiết và đầy ám ảnh trong tâm tư của những kẻ chia li.
– Đánh giá khổ thơ:
+ Về nội dung : cả phần thơ là một khúc tình ca tha thiết thể hiện nỗi nhớ của người cán bộ về xuôi với cảnh vật và con người Việt Bắc. Nó có cội nguồn sâu xa từ tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về sức mạnh của nhân dân, truyền thống ân nghĩa, đạo lí thuỷ chung của dân tộc Việt Nam. Phần thơ khắc sâu lời nhắn nhủ của Tố Hữu : Hãy nhớ mãi và phát huy truyền thống yêu nước quý báu, anh hùng, bất khuất, nhân nghĩa thủy chung của cách mạng, của con người Việt Nam.
+ Về nghệ thuật: lối đối đáp giao duyên trong ca dao, phát huy được nhiều thế mạnh của thể lục bát truyền thống. Về ngôn ngữ, Tố Hữu chú ý sử dụng lời ăn tiếng nói của nhân dân rất giản dị, mộc mạc nhưng cũng rất sinh động để tái hiện lại một thời cách mạng và kháng chiến đầy gian khổ mà dạt dào tình nghĩa.
1,5
– Liên hệ bài thơ “Từ ấy”:
+ Ghi dấu sự kiện Tố Hữu đứng vào hàng ngũ của Đảng, bắt gặp lý tưởng cách mạng
+ Nội dung: niềm vui lớn, lẽ sống lớn, tình cảm lớn
+ Nghệ thuật: hình ảnh thơ tươi sáng, các biện pháp tu từ, ngôn ngữ giàu nhạc điệu.
1,0
– Đánh giá chung về phong cách thơ trữ tình chính trị:
+ Nội dung:
++ Hồn thơ Tố Hữu luôn hướng cái ta chung với lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người cách mạng, của cả dân tộc
++  Đậm tính sử thi, coi những sự kiện chính trị lớn của đất nước là đối tượng thể hiện chủ yếu, luôn đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử và có tính chất toàn dân. Cảm hứng chủ đạo là cảm hứng lịch sử dân tộc
+ Nghệ thuật:
++ Giọng thơ tâm tình tự nhiên
++ Hình ảnh gần gũi, giản dị, trong sáng
++ Khai thác chất nhạc trong tiếng Việt
1,0
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
0,25
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
0,25
ĐIỂM TOÀN BÀI THI : I + II = 10,00 điểm

——— Hết ———
Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (901) 369.468