(BTH) – Thác Hón Lối nằm ở địa bàn Thôn Lằn Sổ xã Giao Thiện cách trung tâm Thị Trấn Lang chánh 18km.
Dọc theo suối Hón Lối, chúng ta được chiêm ngưỡng những cảnh quan thiên nhiên vô cùng kỳ thú với những thảm thực vật xanh mướt trong quần thể rừng phòng hộ. Bên cạnh đó là những hang sâu và nhiều tảng đá lớn bằng phẳng, xếp chồng lên nhau như những bậc thang đá tự nhiên. Hai bên bờ suối là những cây đại thụ lớn buông rễ xuống tận mặt nước và cao vút, tỏa bóng mát cho cả đôi bờ.
Nói đến Lang Chánh, những người yêu thích du lịch nghĩ ngay đến thác Ma Hao thơ mộng. Ít ai biết rằng, ở xã Giao Thiện, có một quần thể thác mang vẻ đẹp kỳ vĩ, hoang sơ đã được phát hiện. Hơn nữa, đây là dòng thác mà nước từ đại ngàn chảy xuống đi qua nhiều địa danh tương truyền gắn liền với truyền thuyết về Anh hùng dân tộc Lê Lợi – thác Hón Lối.
Từ trung tâm xã Giao Thiện, theo hướng Tây Bắc lên địa phận thôn Lằn Sổ, đi qua khu di tích đền Tên Púa thờ Vua Lê Lợi khoảng 4 km, chúng ta dừng chân để thay đổi phương tiện. “Hứa hẹn” sẽ được trải nghiệm những “cảm giác mạnh”, nhưng chúng tôi không khỏi bất ngờ khi băng qua những con đường ngoằn ngoèo leo lên những quả đồi dốc bằng xe mô tô cùng người dân bản địa. Cách thác chừng 2km, chúng ta bắt đầu “hành trình” đi bộ, lội suối, băng qua các bụi cây rừng để tìm đường lên thác.
Dulichgo
Dọc theo suối Hón Lối, chúng ta được chiêm ngưỡng những cảnh quan thiên nhiên vô cùng kỳ thú với những thảm thực vật xanh mướt trong quần thể rừng phòng hộ. Bên cạnh đó là những hang sâu và nhiều tảng đá lớn bằng phẳng, xếp chồng lên nhau như những bậc thang đá tự nhiên. Hai bên bờ suối là những cây đại thụ lớn buông rễ xuống tận mặt nước và cao vút, tỏa bóng mát cho cả đôi bờ.
Nằm giữa khung cảnh yên ắng của núi rừng Lang Chánh, thác Hón Lối hiện ra cùng những âm thanh ầm ào mãnh liệt. Ông Nguyễn Xuân Nội, người dân bản địa thôn Lằn Sổ đã lên thác từ sáng sớm để chuẩn bị một số thứ cần thiết đón chúng tôi. Ông cho biết, quần thể thác Hón Lối thuộc địa phận của rừng phòng hộ Bù Rinh. Tại đây, du khách có thể tham quan và thưởng ngoạn các thác: Thác Kéng Lóng (thác Khua Luống), Kéng Sao Ba (thác Hai mươi sải), Kéng Nốc Cốc (thác Chim Phượng Hoàng), Kéng Hón Lối (thác Ngã ba Hón Lối), Kéng Có Hăm (thác Cây Dỗi), Kéng Băng Pung Pót (thác Suổi Tăm), Kéng Say (thác Đeo Dây), Kéng Húng (thác Húng). Đây là hệ thống thác tự nhiên được tạo thành bởi những phiến đá xếp liền kề như bức tường thành với mạch nước trong suốt, mát lạnh từ đầu nguồn rừng phòng hộ thuộc thôn Húng (địa phận xã Giao Thiện) chảy qua thôn Lằn Sổ đổ về sông Sạo.
Dulichgo
Quần thể thác Hón Lối gồm có 3 thác chính. Thác thứ nhất chỉ cao hơn 4,5m nhưng với 3 dòng thác đổ hòa vào, tạo nên một lòng hồ nước sâu, xanh thẳm. Dòng thác thứ 2 cách đó chừng 200m và cao hơn. Cách thác thứ hai chỉ chừng 20m là đến thác thứ ba cao hơn 10m.
Chính dòng thác thứ ba này đã tạo nên âm thanh kỳ diệu và huyền bí với dòng nước chảy lan tỏa như mây trắng, rồi tung những lớp bọt trắng xóa, mờ ảo, tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Nếu ở dòng thác thứ nhất và thứ hai có nhiều hồ, độ sâu vừa phải, thì dòng nước đổ thẳng từ dốc cao của tầng thác thứ ba xuống đã tạo nên một hồ lớn sâu thẳm. Từ đó, nước đổ ra suối rộng, theo dòng uốn lượn giữa rừng xanh. Khi đứng trên đỉnh thác, phóng tầm mắt ra xa cả một vùng núi rừng bao la. Không khí nơi đây lúc nào cũng duy trì ở nhiệt độ khoảng 13-15 độ C. Dưới chân thác là một lòng hồ mênh mông nước biếc trong lành, mát lạnh và những mô đá như được sắp đặt, bài trí để du khách thỏa thích bơi lội, tắm mát.
Theo người dân bản địa, dòng thác trong lòng suối Lối có nghĩa là “soi đường chỉ lối”. Chỉ cho họ khi vào rừng chặt củi, hái măng. Khi đi mò cua, bắt ốc, đánh chài bắt cá trong lòng suối, khi trở về, họ cứ men theo dòng suối là ra đến bản. Suối Hón Lối cũng là dòng suối gắn liền với tên tuổi vị Anh hùng dân tộc Lê Lợi khi xưa nương náu, nuôi ý chí chống giặc Minh.
Dulichgo
Sách Dư địa chí Lang Chánh viết: “Cùng với xã Giao An và xã Trí Nang, xã Giao Thiện là nơi còn lưu giữ nhiều truyền thuyết, truyện kể dân gian về Anh hùng dân tộc Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Nhiều tên gọi làng bản là do Lê Lợi đặt, như: Huối Láu, Huối Vớ, Vườn Cam trên dãy Bù Rinh, làng Chiềng Lẹn, làng Lằn Sổ, làng Tượt, bản Húng, hang Lòn nơi Lê Lợi từng trú ẩn, giấu binh…”. Ở xã Giao Thiện, hiện tại còn chứng tích các bãi đá ở làng Húng, làng Lằn Sổ, suối Láu, đền Tên Púa… gắn liền với tên tuổi của vị Anh hùng dân tộc Lê Lợi khi ẩn náu, tìm kế diệt giặc năm xưa.
Không chỉ có dòng thác thơ mộng, một trong những điều cuốn hút chúng ta khi đến với thác suối Hón Lối là nơi đây có rất nhiều loài hoa, cùng những măng nứa, măng giang, măng đắng mọc lên thẳng tắp. Dưới lòng suối có rất nhiều tôm, cua, cá và các loại ốc… Khách đến đây không chỉ tham quan cảnh đẹp mà còn được thưởng thức nhiều loại món ăn đặc trưng của người Thái, người Mường, như: Cơm lam, cá nướng, ốc lam, thưởng thức hương vị khó quên của rượu mang tên “đầu sóng, ngọn gió” và ngắm nhìn những cô gái Thái, Mường dịu dàng trong các bộ đồ truyền thống.
Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Giao Thiện, cho biết: Truyền thuyết về Anh hùng dân tộc Lê Lợi gắn với nơi đây vẫn được đồng bào các dân tộc địa phương truyền tụng. Đó là, những năm đầu của cuộc kháng chiến chống quân Minh của vị Anh hùng dân tộc Lê Lợi, vùng rừng núi Pù Rinh của đất Giao Thiện đã gắn liền với các giai thoại của ngày đầu cuộc kháng chiến.
Dulichgo
Người dân nơi đây cũng truyền tai nhau câu chuyện, khi chủ tướng Lê Lợi cùng với nghĩa quân đến địa phận làng Đền thì dừng chân nghỉ tại một con suối. Lúc đó, cả tướng lĩnh và binh sĩ đều đã mệt nhưng chỉ có một vò rượu mà nghĩa quân thì nhiều. Chủ tướng Lê Lợi đã cho người lên thượng nguồn đổ rượu xuống “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” và cùng với các tướng lĩnh, binh sĩ múc nước uống.
Nhằm bảo vệ, gìn giữ cảnh quan, môi trường, thúc đẩy du lịch sinh thái cộng đồng, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc Mường, Thái, đáp ứng nhu cầu tham quan nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng, ngày 30/1/2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền đã ký quyết định công nhận thác Hón Lối thuộc xã Giao Thiện (Lang Chánh) là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Ngày 1/6 vừa qua, UBND xã Giao Thiện cũng đã long trọng tổ chức Lễ đón Bằng xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh, danh thắng thác Hón Lối và khai hội thác Hón Lối, đền Tên Púa.
Để khai thác tốt những tiềm năng trên, chính quyền địa phương cũng đã có hướng quy hoạch hệ thống thác dọc suối Lối, khu vực làng Đền – gắn với truyền thuyết về vua Lê Lợi và làng văn hóa nguyên sơ – làng Húng để phát triển tuyến du lịch sinh thái. Đồng thời, huyện Lang Chánh cũng đang phát triển tour du lịch kết nối chùa Mèo ở xã Quang Hiến, thác Ma Hao ở xã Trí Nang, thác Hón Lối, xã Giao Thiện hình thành các tour du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, khám phá núi rừng, tham quan nhà sàn truyền thống, thưởng thức những đặc sản nổi tiếng của địa phương và tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn Lang Chánh./.
Theo Báo Thanh Hóa
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.