RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Miền Tây thương mến…

Advertisement

(BHT) – Miền Tây Nam Bộ với miệt vườn sông nước mộc mạc, với những câu vọng cổ mùi mẫn và con người thuần hậu, chất phác từ lâu đã trở thành một điểm đến đầy thương nhớ. Khám phá Miền Tây với nhiều người, không đơn thuần chỉ để mở mang hiểu biết mà còn để là giàu thêm cảm xúc trong tâm tư…

Xao xuyến một niềm thương

Một đêm trời Nam xa xôi, giữa mênh mang sông nước Ninh Kiều (Cần Thơ), khi cô ca sỹ luống tuổi cất lên: “Ôi đóa hoa tím trôi liu riu, dòng sông nước chảy liu riu, anh thấy em nhỏ xíu, nhỏ xíu anh thương” rồi ca mấy câu vọng cổ phụ họa, trong lòng tôi chợt nghe rưng rưng rất lạ. Thực ra, tôi đã từng rơi nước mắt khi nghe câu hát ấy qua giọng hát trầm đục của nhạc sỹ Trần Tiến nhưng hôm nay, giữa mênh mông sông nước miền Tây, trong âm nhạc của đờn ca tài tử, cảm nhận của tôi về từ “thương” trong câu hát ấy đã mở rộng thêm rất nhiều cung bậc.

< Chèo thuyền ở miệt vườn sông nước miền Tây.

Nói về tình yêu nam nữ, người miền Tây thường dùng từ thương thay vì từ yêu như một số vùng miền khác. Và, điều đó gợi cho người ta những cảm nhận về một mối quan hệ an hòa, ít sóng gió, ít thác ghềnh tựa như thổ nhưỡng của vùng đất miền Tây này vậy. Không hàm chứa ý nghĩa ban phát, không khiên cưỡng, khi một người miền Tây nói rằng thương ai đó nghĩa là họ đã dành cho đối phương tình yêu, lòng bao dung, độ lượng, sự trìu mến, thiết tha. Từ thương được nói ra khi trong lòng họ đã đủ tình, đã xác định sẽ có trách nhiệm trọn đời với người mình đem lòng yêu thương.

< Nằm trên sông Cái Răng, cách thành phố Cần Thơ khoảng 6 km, chợ nổi Cái Răng là một điểm nhấn du lịch của thành phố Cần Thơ mơ mộng.

Khi dong thuyền trên sông nước mênh mang hay khi luồn mình trong những miệt vườn đầy cây trái, tôi lại thấy từ thương ấy quá đỗi mênh mông và sâu nặng. Tôi không biết, liệu rằng đã có một mối liên kết vô hình nào đó thuở xa xưa hay không mà Xứ Nghệ quê tôi cũng dùng từ thương như thế. Điều đó thể hiện rất rõ trong nhiều bài dân ca ví, giặm.

< Những cánh đồng thốt nốt ẩn hiện trải dài đến chân trời luôn là hình ảnh làm nao lòng khách du lịch khi đến với Tịnh Biên (An Giang).

Và rõ nhất là bài ví Giận thương của tác giả Nguyễn Trung Phong: “Anh cứ nhủ rằng em không thương/ Em đo lường thì rất cặn kẽ/ Chính thương anh, em bàn với mẹ/ Phải ngăn anh đi chuyến ngược Lường/ Giận thì giận mà thương thì thương/ Anh sai đường, em không chịu nổi…”.


< Chùa dơi của người Khơme (Sóc Trăng) hòa nhập trong đời sống tâm linh cùng các tộc người khác ở miền Tây.

Trong âm điệu ví giặm, từ “thương” tuy không trìu mến, dịu dàng như ở miền Tây Nam Bộ nhưng cái tình ẩn trong đó thì cũng sâu và rộng như thế. Có lẽ bởi vậy nên khi nghe một người miền Tây nói “thương” ai đó, một người xứ Nghệ như tôi rất dễ có những xúc cảm rưng rưng, dễ đồng điệu và tường tận về tình cảm ẩn chứa trong đó. Để càng trân trọng hơn những thương mến trong cuộc sống thường nhật.

Xứ sở thân thiện

Vùng bồn trũng thềm lục địa miền Tây Nam Bộ, từ thế kỷ XVI là nơi tiếp biến văn hóa của nhiều tộc người một cách liên tục. Sau khi những lưu dân người Việt đến khai thôn, lập ấp để tránh nạn chiến tranh phong kiến từ cuối thế kỷ XVI thì đến thế kỷ XVII, nhiều nhóm người Hoa, người Khơme, người Chăm… cũng đến và sống hiền hòa, giao thiệp thân thiện với nhau.

Trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, mở mang điền địa, bằng tính thông minh, sáng tạo, các tộc người Việt, Hoa, Chăm, Khơme đã giao thoa văn hóa với nhau, hình thành nên tính cách văn hóa của người dân miền Tây Nam Bộ. Đó là tính sông nước, trọ
ng nghĩa, bộc trực, bao dung, thiết thực. Đặc biệt là tính cách mở, phóng khoáng, thân thiện trong tiếp nhận văn hóa lẫn nhau.

Ở miền Tây, mỗi tộc người lại có một nét đặc trưng văn hóa khác nhau, sinh sống bằng những ngành nghề khác nhau và cũng có những sản phẩm đặc trưng khác nhau. Tuy vậy, trong quá trình tiếp biến ấy, những chiếc áo bà ba, quần lãnh Mỹ a, món phở hay rượu đế của người Việt cũng được các tộc người miền Tây ưa thích.


< Bánh xèo, một trong những đặc sản hấp dẫn của người dân miền Tây Nam Bộ.

Chiếc khăn rằn, cù nèo, cây phảng, cái cà ràng không còn là của riêng người Khơme nữa. Và những món ăn như kẹo mè láo, cải xá bấu, lạp xưởng, xá xíu, hủ tíu của người Hoa cũng được các tộc người khác ưa chuộng và có thể tự làm được. Bởi thế, người miền Tây dù thuộc tộc người nào, ở vùng nào cũng đều rất thân thiện, dễ hòa đồng.

Chẳng những thế mà dù ở bến Ninh Kiều thơ mộng hay trong những miệt vườn lam lũ, dù là người nghệ sỹ nổi tiếng hay là người dân bình dị, trong những khách sạn sang trọng hay quán sá tuyềnh toàng, tất cả đều rất từ tốn, hiền hậu, nhiệt tình.


< Vườn trái cây Cái Mơn – Bến Tre.

Đến địa điểm nào cũng có thể bắt gặp những lời mời chào sử dụng dịch vụ, mua bán đặc sản… Tuy nhiên, người miền Tây khi mời chào du khách thường nói rất nhẹ, rất dễ thương và dù bị chối từ họ cũng rất vui vẻ đón nhận. Bởi thế, du khách đều cảm thấy rất thoải mái, không bị rơi vào cảm giác bực mình, căng thẳng…

Hành trình khám phá miền Tây của chúng tôi chính thức bắt đầu bằng hoạt động tham quan chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). Chợ nổi ngày nay đã trở thành địa chỉ phục vụ khách du lịch.


< Rất đông du khách nước ngoài khám phá sông nước miền Tây Nam Việt Nam.

Dẫu vậy, với những cư dân miền sông nước này, tham gia buôn bán ở chợ vẫn là một tập tục sinh hoạt truyền thống. Bởi thế, họ bán hàng cho người nước ngoài hay người trong nước, trong vùng thì cũng vẫn với một thái độ, một mức giá đã định. Cô bạn cùng đoàn của tôi đã ồ lên ngạc nhiên khi hỏi mua một chục bánh mà được những mười hai cái. Khi được giải thích, đó là cách tính của người dân bản xứ, ai cũng trầm trồ về sự thật thà, chất phác của họ.

Sự thân thiện, thuần hậu, chất phác đó còn biểu hiện trong những món ăn độc đáo của người miền Tây. Cảm giác như, người miền Tây có thể chế biến tất cả những cây trái mà họ có thành những món ăn độc đáo. Trong đó, món rau của người miền Tây là một trong những đặc điểm hấp dẫn du khách.


< Du khách tham quan nhà công tử Bạc Liêu.

Rau có khi là một loại hoa như điên điển, súng, lục bình, so đũa, có khi là những loài cây mọc trên sông nước như: Kèo nèo, bồn bồn, ngồng súng v.v… Mỗi loại rau đều mang trong nó những thông điệp về tập quán sinh sống từ xa xưa của người dân miền Tây và đều đem đến những hương vị cũng như cách chế biến rất lạ.

Tôi đã nghe trong rất nhiều ca khúc về các loài hoa đặc trưng của miền Tây, cũng đã được xem rất nhiều thước phim, bức ảnh về hoạt động thu hoạch bông súng, bồn bồn, bông điên điển… của người dân miền Tây.


< Đờn ca tài tử là một nét đặc sắc trong đời sống tinh thần của người dân miền Tây Nam Bộ, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. 

Dù dưới hình thức nào, tôi cũng đều cảm nhận được vẻ đẹp nên thơ, hiền hòa của của con người và sông nước miền Tây. Không biết tôi có quá mơ mộng không khi cho rằng, người miền Tây đã gửi thương gửi nhớ vào trong chính những công việc thường nhật ấy. Để mỗi nhành rau, hạt lúa đều như được ủ hương, ướp vị và lưu mãi trong tâm tư du khách…

Chúng tôi chưa có cơ hội được khám phá hết những nét văn hóa độc đáo của 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ, cũng chưa có cơ hội để hiểu thêm về tính cách của con người miền Tây. Những cảm nhận ban đầu chỉ là những nét vẽ vụng về trên bức họa phác thảo về miền Tây nhưng tôi tin đó là cơ sở vững chắc để bức họa miền Tây sẽ rõ nét hơn trong những lần trở lại trong tương lai…

Theo Anh Hoài, Thanh Hải – Phạm Ngôn (Báo Hà Tĩnh)

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468