(CAND) – Tôi cứ tưởng mình không còn háo hức với những chuyến đi xa và dài ngày vì tuổi tác đã bất hoặc. Nhưng không, ngược lại tôi thấy mình tràn đầy sức sống hơn bao giờ hết. Đặc biệt là những cuộc hành trình di sản có một sức hút kỳ lạ đối với tôi.
Ngay cuộc hành trình đầu tiên, khởi sự từ di sản cổ đại Hội An với nhiều hoạt động đa sắc màu cho tới di sản cổ đại Mỹ Sơn – Duy Xuyên với đêm huyền thoại dưới chân tháp. Ban ngày dang nắng, quần quật, xuôi ngược trong lòng phố cổ để ghi lại những khoảnh khắc rêu phong của nhiều lễ hội. Ban đêm dầm sương ở Vương quốc Chămpa để hòa mình vào những nét kiêu sa của Apsara.
Khoảng cách hằng trăm cây số chẳng hề làm tôi nao núng. Tôi đi trong tinh thần di sản. Ngày tháng ấy như còn hằn trong tôi. Với nghề làm báo tôi không thể nào quên được cái sự cố của đồng nghiệp khi có một vài phóng viên chen lấn chụp cho được hình ảnh đêm khai mạc bằng thẻ nhớ, lúc này việc sử dụng thẻ nhớ trong chụp ảnh chỉ mới bắt đầu, riêng tôi thì vẫn còn chụp ảnh bằng phim, kinh phí của ban tổ chức hỗ trợ cho phóng viên là 300.000 đồng/ một người, tôi mua hết phim, khoảng được 10 cuốn phim Konica. Lễ kết thúc, tất cả phóng viên đều khẩn trương đưa tin và ảnh về tòa soạn. Bất ngờ nửa đêm có người điện thoại cho tôi xin ảnh.
Lạ thiệt. Thì ra thẻ nhớ không cảm ứng! Hiện đại là hại điện. Năm thứ hai, thứ ba, hành trình di sản Quảng Nam không còn khu biệt ở Hội An, Mỹ Sơn mà bắt đầu lấy Điện Bàn làm thêm nhịp cầu để nối hai di sản Hội An- Mỹ Sơn lại với nhau. Sáng kiến này của các nhà tổ chức xem ra có lý khi Điện Bàn có cả một tiềm năng du lịch còn chưa chạm đến như lịch sử, sinh thái, ẩm thực. Từ nhịp cầu này du khách khắp nơi ngày càng biết đến Dinh Trấn Thanh Chiêm – nơi khai sinh chữ quốc ngữ, Xóm Rừng quê nhà Mẹ Thứ, Thanh Quýt quê hương anh Trỗi, những miệt vườn Triêm Tây, mì quảng Phú Chiêm, làng nghề đúc đồng Điện Phương… Có thêm những cung bậc di sản của đất và người Điện Bàn, nhịp điệu hành trình bớt đi sự nhàm chán đơn điệu.
Dulichgo
Qua 5 cuộc hành trình di sản Quảng Nam, hiện nay gọi là Festival Di sản Quảng Nam, xứ Quảng là điểm hẹn không thể thiếu trong lịch trình bỏ túi của du khách trong nước và quốc tế. Lần thứ VI này là điểm nhấn của năm 2017 khi chuỗi hoạt động dài hơn, rộng hơn từ Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An lên tới Nam Trà My, Tây Giang với những gam màu mới lạ. Đặc biệt thủ phủ Tam Kỳ lần đầu tiên thực hiện sứ mệnh lịch sử khi được chọn làm nơi khởi hành Festival tại Quảng trường biển Tam Thanh. Các nhà tổ chức một lần nữa bắc thêm nhịp cầu cho di sản mà mỗi nhịp cầu mang một nét riêng.
Đã 5 giờ chiều mà trời vẫn còn nắng như đổ lửa nhưng tôi quyết định lên đường để kịp đến với Dinh Trấn Thanh Chiêm – Điện Bàn. Đêm Thanh Chiêm lung linh hồn Dinh Trấn. Cái chữ quốc ngữ vẹn nguyên hình hài lại hiện về trong đêm đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia. Công lao của người khai sinh ra nó một lần nữa được tôn vinh. Người Điện Bàn nói riêng, người Quảng Nam nói chung không thể không tự hào về một di sản độc đáo và độc nhất có được trên quê hương mình. Tôi ở lại với di sản đêm ấy và “gặp em Dinh Trấn Thanh Chiêm/ Tôi về mất ngủ cả đêm Điện Bàn/…” (HTP).
Sáng ra, tạm biệt Dinh Trấn sau ly cà-phê Luna nồng nàn với Đỗ Phát, Phó trưởng Đài truyền thanh – truyền hình thị xã Điện Bàn. Ra khỏi Điện Bàn, tôi gặp ngay Đại Lộc, đôi bờ Vu Gia xanh ngút một màu trong tầm mắt của lữ khách đường xa, tự nhiên mình lại nhớ thơ mình: “…Nguyên tiêu trăng đựng đầy lu/ Lỡ tay mẹ đổ thành Vu Gia này”/… Dẫu biết rằng đường lên biên giới, đường Trường Sơn huyền thoại còn xa, nhưng cái bệnh nghề nghiệp cứ níu chân tôi giữa nhịp cầu Ái Nghĩa. Đã toan đi rồi lại quay trở lại bởi dòng Vu Gia. Đang loay hoay với cái máy ảnh trước vẻ đẹp Vu Gia, bỗng nghe tiếng nói quen quen đằng sau “Ai mà giống Huỳnh Trương Phát rứa hè?”.
Dulichgo
Giật mình quay lại, thì ra nhà thơ Nguyễn Giúp, hai chúng tôi cùng ồ lên vui mừng. Cái quán cà-phê phía đông đầu cầu Ái Nghĩa trở thành ký ức khó quên. Anh tặng tôi ngọn gió mà lẽ ra tôi đã nhận cách đây vài tháng khi anh từ Đại Lộc “ôm” cả ngọn gió ấy vào tận Tam Kỳ để tặng anh chị em văn nghệ, trong đó có tôi.
Lý do tôi chưa nhận được là chính đáng. Anh lấy yên xe honda làm cái bàn, lom khom đề tặng cho tôi tập thơ “Gió từ sông thổi lên”, ngẫu nhiên mà hữu ý ở chỗ con sông ấy là con sông Vu Gia, nhịp cầu Ái Nghĩa bắc qua mà tôi và anh gặp nhau nhân lúc tôi trên đường đồng hành với di sản Quảng Nam lần thứ VI – 2017. Chia tay anh tôi tiếp tục cuộc hành trình, mới được một đoạn tôi lại gặp Vu Gia. Vu Gia chảy vòng quanh đời người Đại Lộc, Vu Gia cho người Đại Lộc cái lộc phù sa xanh mượt những tâm hồn. Màu xanh của rau, dưa, mía, đậu,… đã chạm vào tình yêu của tôi. May mà còn chút phù sa như là câu thần chú sai khiến tôi phải đặt tên cho khoảnh khắc mà tôi vừa thu vào ống kính.
Trả lại dòng Vu Gia cho nhà thơ Nguyễn Giúp, những vòng Wave của tôi bắt đầu những centimet trên địa phận Nam Giang. Tiếng ve rừng xanh thẳm đường biên nhưng có lúc tôi có cảm giác như “… Rừng ơi mấy khúc thâm sâu/ Con ve mỏi giọng thân nhàu trên non/ Tôi đi như theo những vệt mòn/ Tiếng ve như thể oan hồn bám theo/ Tiếng rừng chừ hết trong veo/ Không ai nghe được tiếng kêu của rừng…”. Vượt qua khỏi cầu Thạnh Mỹ, mây đen kéo về ủ một cơn giông, mang theo một bọc nước sẵn sàng đổ xuống bất cứ lúc nào. Thoáng nghĩ, chợt nghe tiếng mưa trên lá rừng rào rào từ xa rồi lại gần, tôi vội vàng lấy nilon quấn ba lô, máy móc, sau đó mới quấn lấy mình rồi tiếp tục đi. Đến Đông Giang nhìn lại đã 50 cây số. Nhìn tới thì hãy còn gần 40 cây số nữa mới lên đến Tây Giang. Đường còn xa lòng nhủ lòng hãy cố lên. Tiếng ve rừng kêu mãi không thôi. Tiếng ve rừng càng làm sâu thêm những nỗi niềm của rừng. Và tôi một mình làm một cuộc rong chơi để đại ngàn bớt nỗi cô đơn.
Làng truyền thống Cơ Tu Tây Giang nằm trên ngọn đồi bát úp. Từ trung tâm hành chính huyện nhìn lên, trong tầm mắt, du khách dễ dàng nhận ra những ngọn Nêu, di sản của các dân tộc vừa được trình diễn và giao lưu văn hóa, nghệ thuật 4 ngày trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI – 2017 với 600 nghệ nhân, diễn viên quần chúng đến từ 14 tỉnh, thành phố thuộc các vùng, miền trong cả nước. Tây Giang còn ngái ngủ tôi vội vàng chuẩn bị hành trang để xuôi dòng về cho kịp đêm “Thu Bồn – Dòng sông di sản”, chủ đề lễ bế mạc Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI – 2017 tại quảng trường Sông Hoài – Hội An đêm 14-6-2017. Một dòng nước vàng tươi như lắng chút phôi phai trôi nhanh dưới chân rừng. Tôi chợt nghĩ “Đêm qua mưa ở trên nguồn/ Nước về mang cả nỗi buồn vàng phai/ Rừng cao xanh mấy từng mây/Giấu trong màu lá nỗi này mà đau…”.
Dulichgo
Một cuộc hành trình di sản thật thú vị và ấn tượng. Vui mừng nhất là suốt cuộc hành trình, trời đất phù hộ cho tôi sức khỏe. Nhờ vậy mà tôi có được mấy nghìn tấm ảnh. Trong đó có ảnh báo chí, ảnh tư liệu, ảnh nghệ thuật. Ngoài ra có được nhiều bài viết, nhiều câu thơ, bài thơ; có thêm bạn bè, đồng nghiệp. Ngoài những điều đáng quý của nghề báo mang lại, trong tôi còn đọng nhiều sắc màu di sản lung linh, quyến rũ và níu kéo. Sau mỗi chuyến đi như thế này tôi giàu có thêm nhiều ký ức đẹp để yêu thêm cái nghề mà đã mấy chục năm qua như là cái nghiệp!
Theo Huỳnh Trương Phát (Báo Công An Nhân Dân)
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.